Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy Điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh

Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh (Thuận Nam), kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 500 KV, 200 KV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia là công trình trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng của tỉnh.

Khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về truyền tải để hòa lưới hết công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì vậy, cùng với sự quyết tâm cao độ của nhà đầu tư, còn có sự quan tâm hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh với mục tiêu sớm đưa dự án này hoàn thành đảm bảo yêu cầu vận hành trong năm nay.

Thi công công trình dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phước Minh kết hợp hệ thống truyền tải 500KV do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư là dự án có quy mô lớn, gồm hạ tầng nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ pin quang điện inverter trung tâm, với quy mô công suất 450 MW, xây dựng đường vào nhà máy, nhà quản lý vận hành, hệ thống điện nội bộ. Cùng với đó là hạ tầng truyền tải, xây dựng trạm biến áp 220/500KV Thuận Nam với quy mô công suất 3x900MVA, hệ thống đường dây 500 KV và 200 KV nối với đường dây và Trạm biến áp 500kV nhiệt điện Vĩnh Tân. Tổng vốn đầu tư dự án 11.482,9 tỷ đồng với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 557 ha. Địa điểm thực hiện dự án thuộc phạm vi 3 xã: Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh (Thuận Nam). Theo kế hoạch tiến độ, dự án sẽ thi công hoàn thành trong vòng 6 tháng, trong đó hạ tầng truyền tải điện được ưu tiên hoàn thành trước. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết: Nếu có đủ mặt bằng thi công, chúng tôi sẽ quyết tâm đưa công trình hoàn thành trước tháng 10-2020, sớm hơn dự kiến kế hoạch ban đầu. Mặc dù, gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19, nhưng chúng tôi đã tranh thủ hết sức để chủ động nhập thiết bị, vật tư; sẵn sàng phương án về nhân lực, máy móc thi công. Thậm chí đã thuê trực thăng để sử dụng ở những công đoạn cần thiết như kéo đường dây, vận chuyển thiết bị vào những vị trí xung yếu, khó khăn nhất.

Để đôn đốc, giám sát tiến độ dự án, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thực hiện dự án bám sát quy chế hoạt động, thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất hướng xử lý công việc qua nhóm Zalo; tổ chức nhiều cuộc họp và kiểm tra thực địa để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những công việc liên quan. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, biểu đồ đã được phê duyệt các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án, chủ đầu tư đã thi công rất khẩn trương. Tỉnh cũng đã giao cho các ngành, địa phương trong tháng 5 phải bàn giao toàn bộ đất sạch cho dự án và trong tháng 6. Phấn đấu công trình hoàn thiện sớm nhất có thể, để chủ động trong công tác vận hành, chạy thử và nghiệm thu bàn giao nối lưới cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối năm 2020.

Theo UBND huyện Thuận Nam, sau khi chủ đầu tư hoàn tất đo đạc, lập bản đồ dự án, huyện đã thông báo thu hồi đất đối với các xã, tổ chức niêm yết công khai quy chủ sử dụng đất. Cùng với đó, tại thực địa, chủ đầu tư đã chủ động thỏa thuận các hộ dân có đất bàn giao 67 ha trước để tiến hành thi công các hạng mục chính như trạm biến áp, khu nhà máy, móng của các trụ đường dây truyền tải. Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Công tác đo đạc, thông báo thu hồi đất ban đầu có chậm so với dự kiến kế hoạch, do diện tích sử dụng đất lớn, việc đo đạc, quy chủ gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 và đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất công khu vực dự án xảy ra phức tạp. Trong số 557 ha đất dự án, có hơn 300 ha đất theo thống kê, đo đạc là đất chưa sử dụng, thuộc quyền quản lý của nhà nước và thực tế kiểm tra chủ yếu là cây bụi, gai xương rồng, đất đồi núi, nhưng vẫn có một số hộ dân nhận là đất đang sử dụng. Hiện có gần 60 ha người dân khai báo quyền sử dụng là khu vực tranh chấp. Trong khi đó, hầu hết người dân trong vùng dự án không phải là người địa phương dẫn đến khó khăn trong việc họp xác minh nguồn gốc. Hiện nay, cùng với việc rà soát, xác minh hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân chấp hành chủ trương pháp luật, tạo sự đồng thuận trong thực hiện dự án. Mặt khác, kịp thời xử lý rốt ráo ngay từ đầu các khiếu nại, không để phát sinh kéo dài và sớm hoàn thành việc thu hồi đất bàn giao để thực hiện dự án. Các trường hợp tranh chấp nhưng không có căn cứ pháp lý, địa phương sẽ tổ chức bảo vệ thi công; cho lực lượng công an nắm bắt tình hình xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo quy định.