Dự kiến, Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tổng số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu và truyền hình trực tiếp tới khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Các ý kiến nhất trí cho rằng, diễn ra khi dịch bệnh COVID-19 trong cả nước đã được đẩy lùi, Hội nghị sẽ là dịp để khơi dậy tinh thần, truyền đi thông điệp, chung sức đồng lòng để vươn lên bứt phá. Do đó, cần có một sản phẩm cụ thể sau Hội nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của Hội nghị, Thủ tướng đặt vấn đề về mục tiêu “tạo khí thế mới” để đóng góp cho sự phát triển trong bối cảnh cả nước kỷ niệm các sự kiện lớn, là 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức Hội nghị đảm bảo khoa học, chặt chẽ, nội dung thiết thực, chuẩn bị công phu. Về kết quả Hội nghị, Thủ tướng cho rằng sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là nghị quyết hoặc chương trình hành động…
Ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành, Thủ tướng đặt vấn đề Hội nghị cần hướng đến giải quyết cụ thể vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, lao động, tín dụng mới…
Theo TTXVN/Báo Tin tức