Huyện Thuận Bắc hiện có 11.016 hộ/47.113 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 63,6%, có 3 xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn và 2 thôn Ấn Đạt, Suối Đá (Lợi Hải) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị đối thoại hàng năm, nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có hướng điều chỉnh, triển khai các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế.
Nông dân huyện Thuận Bắc chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: Đăng Khôi
Cùng với đó, huyện sử dụng có hiệu quả nguồn lực phân bổ từ các chương trình, dự án của nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về thủy lợi, kênh mương nội đồng, hỗ trợ đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân. Từ năm 2016 đến nay, ngoài vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện vận động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đóng góp trên 64 tỷ đồng để xây mới 2 trạm bơm, 1 đập dâng thủy lợi, kiên cố 8,4 km kênh mương các loại. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa, 14 đập dâng và 4 trạm bơm, đảm bảo tưới ổn định cho khoảng 3.412ha đất canh tác, chiếm 50,9% đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Khai hoang với diện tích gần 200 ha cấp cho 365 hộ dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 212 hộ theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng về nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, huyện hỗ trợ trên 43.000 cây giống, cấp 561 con dê, 62 con bò, 48 con heo đen cho hộ nghèo tại địa phương. Ngoài ra, thông qua chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo được tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế; nâng tổng số hộ nghèo vay đến nay lên 1.905 hộ, với tổng dư nợ 57,360 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, giúp nhiều nông hộ ở Thuận Bắc vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát huy nguồn vốn hỗ trợ, huyện tập trung rà soát, khai thác thế mạnh từng vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, định hướng người dân hình thành các mô hình kinh tế nông nghiệp có giá trị; qua đó, tạo động lực cho người dân tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị Katơr Thị Lét, ở thôn Đá Mài Dưới, xã Phước Kháng, chia sẻ: Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, vừa qua được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuồng trại và cấp 6 con dê bách thảo nuôi sinh sản, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã nên đàn dê phát triển tốt, xem đây là số vốn để tích lũy làm ăn sau này.
Song song với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, với lợi thế về nguồn lao động (LĐ) dồi dào, hàng năm huyện Thuận Bắc luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm; nhờ đó, nhiều LĐ sau khi hoàn thành khóa học đã áp dụng thành thạo kiến thức vào thực tiễn, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, huyện tạo điều kiện việc làm mới cho 1.466 lượt người, đưa 15 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, nhà ở… được quan tâm, thực hiện đầy đủ đã đem lại kết quả hết sức khích lệ, tạo bước đột phá mới trong công tác giảm nghèo. Qua điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ áp dụng giai đoạn 2016-2020, đến cuối năm 2019 trên địa bàn huyện có 489 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 22,29%, giảm 4,43% so với năm 2018.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nguyên nhân là do điều kiện sản xuất của người dân không được thuận lợi, đời sống của đồng bào vùng miền núi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ khá cao như xã Phước Kháng trên 62,1%, Phước Chiến 51,5%. Đồng chí Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không còn tư tưởng trông chờ quá nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn hỗ trợ và giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận mô hình sản xuất mới, tạo việc làm. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 3,72%, thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của địa phương.
Hồng Lâm