Tại tỉnh ta, các đồng chí: Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UNBD tỉnh; Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự.
10 năm qua, trên cơ sở Đề án 30 (giai đoạn 1), cả nước đã thống kê trên 5.700 thủ tục hành chính, hơn 9.000 văn bản quy định, khoảng 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính.
Đến nay, trên 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; trong đó có 453 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ, huỷ bỏ; 3.749 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận lợi cho dân và doanh nghiệp; 288 thủ tục hành chính được thay thế, đơn giản hoá. Hiện cả nước có 96,7% cấp xã, 98,5% cấp huyện, 88,3% các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai cơ chế “một cửa – một cửa liên thông”.
Kết quả rõ nét nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình là việc điều chỉnh chức năng của các cơ quan Nhà nước phù hợp tình hình thực tế, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 giảm còn 30; các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 19-27 đầu mối, giảm còn 17-20, cấp huyện từ 12-15, giảm còn 12-13.
Trong cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 130 (ngày 17-10-2005) về chế độ tự chủ, chịu trách nhiệm biên chế, kinh phí hành chính; NĐ43 (ngày 25-4-2006) về tự chủ biên chế, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm 10 năm Chương trình Cải cách hành hình (2001-2010), Thủ tướng Chính phủ nêu 4 giải pháp căn bản để tiếp tục thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Cụ thể: Tăng cường công tác chỉ đạo Chương trình này từ Chính phủ đến các bộ và UBND các cấp. Người đứng đầu cơ quan hành chính chịu trách nhiệm việc thực hiện Chương trình trong phạm vi mình quản lý; Nâng cao năng lực, trình độ và có chính sách hợp lý đối với cán bộ chuyên trách; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá và đưa vào áp dụng Bộ Chỉ số theo dõi cải cách hành chính; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
Ở tỉnh ta, đến nay UBND tỉnh đã ban hành 84 QĐ và 2 chỉ thị về thực hiện đổi mới quy trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác rà soát 1.102 thủ tục hành chính, qua đó có 779 thủ tục hành chính kiến nghị đơn giản hóa (chiếm 71%), 323 thủ tục giữ nguyên (chiếm 29%). UBND tỉnh đã triển khai thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, đơn vị; đồng thời ban hành các quyết định sửa đổi, bổ sung các văn bản của UBND tỉnh quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã.
Toàn tỉnh có 90 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” gồm: 17 sở, 6 huyện, thành phố, 63 xã, phường, thị trấn và Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh; 74 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”, gồm: 5 sở, 6 huyện, thành phố, 63 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, tháng 3 – 2010, UBND tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) trực thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư, là đơn vị dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” theo mô hình hiện đại, với 14 thủ tục trên lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Đối với lĩnh vực tự chủ biên chế và tài chính công, cấp tỉnh có 85 đơn vị thực hiện
Nhìn chung, tiến độ thực hiện rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ ở tỉnh ta được bảo đảm, đạt yêu cầu; việc giải quyết chất lượng thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" ở các cấp duy trì tốt, lề lối làm việc các cơ quan, đơn vị hành chính tiếp tục được chấn chỉnh, cải tiến theo hướng tập trung thống nhất có hiệu quả, hướng vào các mục tiêu quản lý vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp…
Lê Trường