Theo Sở TT&TT, đến nay 100% các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã đã có mạng nội bộ (LAN); 26 sở, ban, ngành và 7 huyện, thành phố đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước phục vụ truy cập internet và các phần mềm dùng chung tại các cơ quan, đơn vị. Tuyến cáp quang kết nối internet đã kết nối 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên toàn tỉnh;100% UBND các xã, phường trong tỉnh điều có internet băng thông rộng, đảm bảo cho việc triển khai chính quyền điện tử. Hiện nay, 26/26 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và 65/65 xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh.
Cán bộ huyện Thuận Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ tốt cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ
Việc triển khai ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục hành chính công trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện với việc triển khai thông suốt trục liên thông văn bản 4 cấp. Qua đó, đảm bảo gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trong tỉnh với các cơ quan trung ương, các địa phương khác có kết nối với trục liên thông quốc gia, đáp ứng về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 632 chứng thư số dạng USB token sử dụng trên máy tính. Trong đó, có 212 tổ chức và 420 cá nhân và 63 chứng thư số dạng SIM PKI sử dụng trên các thiết bị di động do Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cấp; 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng ổn định và hiệu quả phần mềm TDOffice trong việc tiếp nhận, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm; 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật) đều có ký số qua phần mềm. Trong năm 2019, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và 65/65 xã, phường, thị trấn đã số hóa và cập nhật trên phần mềm TDOffice được 470.339 văn bản đến và phát hành 158.022 văn bản đi. Qua đó, giúp tiết kiệm giấy mực, chi phí gửi qua đường bưu điện ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ TT&TT, cho biết: Đến nay, cổng thông tin điện tử của tỉnh đã tích hợp 19 Trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, 7 trang thông tin điện tử của UBND các huyện, thành phố và 22 trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, đoàn thể, tạo môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa liên thông được nâng cấp, mở rộng và đưa vào vận hành sử dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.966 thủ tục được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 100%. Mức độ 3 có 1.723 thủ tục, mức độ 4 có 74 thủ tục và cung cấp 169 dịch vụ công mức độ 2 cấp xã. 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố sử dụng phần mềm một cửa cho việc tiếp nhận và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ TT&TT, cho biết thêm: Để thực hiện tốt hơn việc ứng dụng CNTT trong CCHC phục vụ nhân dân, thời gian tới cần phải triển khai kịp thời việc nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ cải cách thủ tục hành chính. Quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác CCHC có năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để thực hiện việc rà soát, công khai các TTHC được đầy đủ và kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về tham gia các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để giảm bớt chi phí, thời gian; đồng thời, khắc phục tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thanh Thịnh