Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã trình bày dự thảo Chỉ thị về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, cụ thể, có 14 biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; yêu cầu mọi người chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết và phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc, không tập trung đông người; không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng đông người, tạm dừng các hoạt động, dịch vụ khu vui chơi, giải trí, du lịch, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, sân vận động…; nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm…) chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ…. được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu chống dịch thì phải dừng hoạt động.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc họp.
Đối với các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ thì đều phải thực hiện theo 14 biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, đối với từng nhóm sẽ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khác nhau. Riêng đối với nhóm nguy cơ thấp như tỉnh ta, dự thảo Chỉ thị nêu rõ: Khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; không tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; khuyến khích hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh; khuyến khích không mở cửa các cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; các hình thức kinh doanh, lao động tự do được làm việc nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng lây nhiễm.
Phát biểu góp ý vào dự thảo, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Chỉ thị, bên cạnh đó đồng chí cũng đề nghị cần chỉnh sửa, làm rõ một số từ ngữ cho phù hợp, nhất là cần thống nhất về phương án cách ly đối với các trường hợp từ các tỉnh, thành phố có dịch theo thông báo của Bộ Y tế trở về địa phương, vì từ trước đến nay mỗi địa phương thực hiện theo cách khác nhau. Bộ Y tế cũng cần thường xuyên cập nhật, thông báo về các ổ dịch trong cả nước để địa phương có các biện pháp phòng, chống phù hợp; làm rõ các hình thức kinh doanh nào được hoạt động thuộc nhóm có nguy cơ thấp; Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để địa phương triển khai thực hiện kịp thời…
Sau khi nghe các bộ, ngành và địa phương góp ý vào dự thảo Chỉ thị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại nước ta vẫn diễn biến hết sức phức tạp, do đó yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu không để dịch lan rộng và không để trường hợp nào tử vong; có biện pháp phù hợp để thích nghi trong điều kiện tình hình dịch còn kéo dài, trong đó các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, hạn chế ra ngoài và không tụ tập đông người là yếu tố then chốt để kiểm soát lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và làm tốt công tác điều trị. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch để có quy định cụ thể trên từng lĩnh vực phụ trách, với mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng cũng phải đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Đối với các ý kiến góp ý vào dự thảo Chỉ thị của các bộ ngành, địa phương, yêu cầu Bộ Y tế tổng hợp, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Hòa bình