Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID- 19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Để thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã kịp thời triển khai nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giãm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19; Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có nhóm hộ kinh doanh cá thể.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tại tỉnh ta, theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, đến ngày 10- 4, có 2.643 DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng doanh thu bị thiệt hại trên khoảng 4.500 tỷ đồng; trong đó, 919 DN bị thiệt hại từ 70% trở lên, 609 DN bị thiệt hại từ 30-70%, 1.125 DN thiệt hại dưới 30% doanh thu. Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 10- 4, trên địa bàn tỉnh có 1.433 khách hàng với dư nợ 2.438 tỷ đồng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID- 19; trong đó, 125 DN với dư nợ 1.321 tỷ đồng. Đã có 54 khách hàng với dư nợ 144 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, 97 khách hàng được miễn giãm lãi vay với dư nợ được miễn giảm 201 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm là 1,24 tỷ đồng; 305 khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi vay mới với doanh số 1.266 tỷ đồng; trong đó, 57 DN, 248 cá nhân. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh có 13 DN với 562 lao động đã có đơn gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tín dụng, sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ đến với tất cả DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thông tin và giám sát tình hình triển khai thực hiện các gói chính sách hỗ trợ DN để báo cáo UBND tỉnh hàng tuần. Đồng chí mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận quan tâm, kết nối các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng để họ sớm được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ này. Đặc biệt, trên tinh thần cùng nhau tháo gỡ khó khăn vượt qua dịch bệnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành cần có những bước chuẩn bị để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi, tái sản xuất, kinh doanh sau khi hết dịch bệnh, đảm bảo ổn định nền kinh tế; tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đẩy mạnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà phát triển của nền kinh tế.
Ngọc Diệp