4 “mặt trận” ứng phó tổng thể, toàn diện với dịch COVID-19

Ngày 10-4-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.

Có thể coi đây như một “Hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 “mặt trận” ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tác động mạnh đến nhiều ngành, lĩnh vực

Đến nay, trên thế giới đã có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm SAR-CoV-2, hơn 8 vạn đã người tử vong do COVID-19. Hiện có gần 5 tỷ người, khoảng nửa dân số thế giới đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà.

Dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc IMF, WB, các hãng xếp hạng tín nhiệm khác cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD. Tổ chức Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Hàn Quốc 0,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng trên 1,5%... So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.

Đối với Việt Nam, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc... Đồng thời, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như: đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5-2020 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động, trong đó có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm.

Đây là những vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.

Hành động càng sớm càng tốt, không để nền kinh tế đổ gãy

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Đối với Việt Nam, ngay sau khi có những đánh giá bước đầu về sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tới như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Chúng ta còn có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.

Các chuyên gia đánh giá, ba chính sách chủ công là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công và Chính phủ đã gấp rút triển khai các bước theo thẩm quyền để triển khai các chính sách này.

Nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống, ngày 10-4-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Có thể coi đây như một “Hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19 là: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng nhắc nhở trước hết là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu của Hội nghị là phải đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch.

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng cho biết, trong khi Hải Phòng tăng trưởng gần 15% GDP trong quý I, Hà Nội chỉ tăng trên 3,7% và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 1%. Thủ tướng đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở ngay địa phương mình. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp để tổ chức thực hiện kịp thời hơn, đến tận tay người bị thiệt hại.

Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá. Đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn. Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống với COVID-19 và ngay trong thời gian tới, không để nền kinh tế đổ gãy.

Theo TTXVN