“Giãn cách xã hội” có thể cứu sống hàng triệu người
Tính đến 17h (giờ Việt Nam) ngày 1-4, trên toàn thế giới đã có tổng cộng gần 862.573 nghìn ca nhiễm COVID-19 và trên 42.528 ca tử vong. Ba nước có số ca mắc và tử vong nhiều nhất hiện nay là Mỹ (hơn 188.592 ca nhiễm, 4.056 ca tử vong); tiếp đến là Italy (hơn 105.792 ca nhiễm, hơn 12.428 ca tử vong), Tây Ban Nha (95.923 ca nhiễm, hơn 8.464 ca tử vong).
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cảnh báo, ước tính đại dịch COVID-19 có thể sẽ cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới trong năm nay, ngay cả khi mọi người đã thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội. Còn trong trường hợp nếu không thực hiện “giãn cách xã hội”, số người tử vong vì dịch bệnh này có thể lên tới khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới.
Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiệt hại có thể giảm đi một nửa nếu mọi người hạn chế 40% các cuộc tụ họp xã hội và người già cũng hạn chế tương tác khoảng 60%. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nếu biện pháp “giãn cách xã hội” được triển khai từ sớm và được duy trì trên quy mô rộng rãi, chẳng hạn giảm đến 75% tỷ lệ tiếp xúc giữa các cá nhân, biện pháp này có thể cứu sống 38,7 triệu người trong đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu cũng cho biết, các biện pháp mạnh mẽ hơn có thể giảm nhiều số lượng người tử vong hơn. Các nhà khoa học cũng cảnh báo tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt với những quyết định đầy thách thức trong vài tuần và vài tháng tới về việc họ nên áp đặt “giãn cách xã hội” vào thời điểm nào và có thể nỗ lực áp dụng biện pháp này trong bao lâu. Theo các nhà khoa học, giãn cách xã hội chính là biện pháp duy nhất mà các nước có thể ngăn chặn những sự cố xảy ra đối với hệ thống y tế trong những tháng tới.
Về cơ bản, “giãn cách xã hội” được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là người dân nên ở nhà, giữ một khoảng cách cụ thể với mọi người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng… Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người bị nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể làm lây cho 2,5 người và sau 30 ngày thì số người bị nhiễm bệnh có thể bùng phát lên 406 người. Nhưng nếu như người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 người và sau 30 ngày thì số người bị lây nhiễm sẽ chỉ là 15 người. Điều này cho thấy, thực hiện “giãn cách xã hội” càng sớm thì càng cho hiệu quả lớn. Và biện pháp này cần phải được duy trì ở một mức độ nào đó cho đến khi tìm ra một loại vaccine hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.
Thực tế trong lịch sử, biện pháp “giãn cách xã hội” đã được áp dụng hiệu quả với đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918-1919), dịch SARS (2003), và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm (năm 2009)… Vào năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát khiến gần 1/3 dân số thế giới nhiễm bệnh. Với số người thiệt mạng được ước tính ít nhất 50 triệu người, đây là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nếu so sánh việc đối phó dịch bệnh tại hai thành phố St.Louis và Philadelphia của Mỹ thì sẽ kết quả khác nhau rõ rệt. Trước đó, cả 2 thành phố này đều đã lên kế hoạch tổ chức diễu hành gây quỹ hỗ trợ châu Âu trong Thế chiến thứ I, nhưng St.Louis đã hủy bỏ sự kiện vào phút chót vì lo ngại tình trạng sức khỏe cộng đồng và đã ban hành lệnh cấm tụ tập trên 20 người. Trong khi đó, Philadelphia vẫn tiến hành sự kiện với sự có mặt của gần 200.000 người. Kết quả là có 700 ca tử vong do cúm ở St.Louis, trong khi Philadelphia có hơn 12.000 người thiệt mạng. Dù cuộc diễu hành không phải là lý do duy nhất khiến tỷ lệ tử vong có sự chênh lệch lớn ở hai thành phố này, nhưng con số đã cho thấy tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội trong kiểm soát dịch bệnh.
Các biện pháp chống COVID-19 ở Trung Quốc cũng là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của biện pháp này. Ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, khi lệnh phong tỏa quy mô lớn được áp dụng đã khiến hệ số lây nhiễm giảm từ 2,35 xuống gần 1. Khi hệ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác. Mô hình ở Trung Quốc đã cho thấy tầm quan trọng của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh. Càng phong tỏa sớm tại tâm dịch thì hệ số lây nhiễm càng thấp.
Chính bởi vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đều chung nhận định rằng trong khi vaccine vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, “giãn cách xã hội” chính là biện pháp vô cùng quan trọng để làm chậm lại sự lây lan của dịch COVID-19, giảm áp lực cho hệ thống y tế và giúp các nước có thêm thời gian, song ngoài ra cũng cần phải kết hợp hiệu quả với các biện pháp khác để có thể dập tắt dịch bệnh.
Các nước tăng cường thực hiện giãn cách xã hội
Nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, các nhà lãnh đạo từ châu Á tới châu Âu… đều đã thay đổi thói quen bắt tay xã giao bằng những hình thức chào hỏi mới như chạm khuỷu tay, hay chạm bàn chân. Thậm chí trong một buổi tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ tại Mỹ để lựa chọn ra ứng viên tranh cử tổng thống của đảng, hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders cũng đã đứng cách nhau đến 6 mét. Vận động viên của nhiều môn thể thao cũng đã nhanh chóng thực hiện những cách chào hỏi mới thay vì ôm hôn. Còn đối với nhiều người dân các nước, biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cũng đã được thực hiện ở nhiều nơi như bố trí các ghế ngồi cách xa nhau trong nhà hàng, hay giao hàng gián tiếp cho thực khách qua hệ thống băng chuyền…
Các biện pháp khắc nghiệt, bao gồm tự cách ly tại nhà và đóng cửa nhà hàng, đang góp phần làm giảm sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm virus corona. Kết quả này đã được ghi nhận ở các bang trên khắp nước Mỹ, theo dữ liệu của Công ty Kinsa Health (Mỹ) chuyên sản xuất nhiệt kế kết nối internet. Hiện hơn 248 triệu người Mỹ ở ít nhất 29 bang đã được yêu cầu ở nhà. Hạn chế tiếp xúc xã hội dường như đang mang lại hiệu quả, giúp các bệnh viện giảm tình trạng quá tải và giảm số ca tử vong do COVID-19. Chính bởi vậy mà Tổng thống Donald Trump ngày 29-3 đã ra lệnh kéo dài biện pháp “giãn cách xã hội” ít nhất cho đến cuối tháng 4 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số người tử vong tăng đột biến trong những ngày qua.
Còn tại châu Âu, Italy sau nhiều tuần phong tỏa, dù đã có các dấu hiệu cho thấy hành động quyết liệt đã giúp làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh này nhưng các biện pháp cứng rắn vẫn được chính quyền mở rộng trên toàn quốc. Thủ tướng Italy Conte quyết định kéo dài lệnh phong tỏa ít nhất đến giữa tháng 4. Nhưng các chuyên gia đều cảnh báo Italy phải thận trọng bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu nước này ngừng thực hiện các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
Trong khi đó, toàn bộ nước Anh hiện đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình. Các trung tâm điều phối chiến lược đã được lập trên khắp cả nước và Chính phủ Anh cũng khẳng định sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đã và đang được áp đặt trong vài tuần tới. Đây là những biện pháp mạnh nhằm đối phó việc người dân Anh vẫn đổ tới các công viên, bãi biển và các vùng nông thôn trong ngày nghỉ cuối tuần sau khi chính phủ đã công bố lệnh phong tỏa ngày 23-3.
Tây Ban Nha đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc cho tới ngày 12-4, những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Thủ đô Moskva (Nga) từ ngày 30-3 thì đã áp đặt lệnh cách ly toàn thành phố vô thời hạn và áp dụng với mọi cư dân Moskva bất kể tuổi tác. Thị trưởng thành phố Moskva (Nga) Serge Sobyanin cho biết đã thành phố đã áp dụng một hệ thống thông minh đặc biệt giám sát chế độ “cách ly” tại nhà của người dân thành phố. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30-3 còn cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp hà khắc lên những đối tượng vi phạm các quy định phong tỏa mới và lệnh cách ly tại nhà. Trong trường hợp đi ra khỏi nhà, người dân phải duy trì khoảng cách 1-1,5 mét với những người xung quanh. Bất kỳ ai vi phạm quy định tự cách ly có thể đối mặt với mức phạt lên tới 40.000 rúp (khoảng 500 USD). Mức phạt có thể lên tới 300.000 rúp (khoảng 3.700 USD) nếu lây bệnh cho người khác hoặc có hành động vi phạm lệnh cách ly dẫn đến cái chết của người khác liên quan COVID-19.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz mới đây cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang và đây không phải là biện pháp thay thế cho việc giữ khoảng cách mà chỉ là biện pháp bổ sung. Trong khi đó, Đức cũng yêu cầu công dân đeo khẩu trang nơi công cộng một khi các biện pháp phong tỏa của nước này được nới lỏng. Chính phủ Ðức tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát và hạn chế tiếp xúc đến ngày 20-4. Còn Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-3 cũng đã đặt 39 khu vực dân cư tại 18 thành phố trong tình trạng cách ly nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Tại châu Á, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu bắt buộc cách ly trong 2 tuần đối với tất cả những người nhập cảnh, bắt đầu từ ngày 1-4 vì số ca nhiễm COVID-19 về từ nước ngoài đang gia tăng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 31-3 đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định xử lý những trường hợp cố tình vi phạm lệnh cách ly. Trong khi đó, Nhật Bản ngày 31-3 đã nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có 21 nước ở châu Âu.
Lào đã quyết định tạm ngừng mọi hoạt động không thiết yếu từ ngày 1-4. Philippines thì phong tỏa toàn bộ khu vực Luzon tới ngày 13-4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch…
Theo TTXVN