Đồng chí Chameléa Thị Búng, Phó Bí thư Huyện đoàn Bác Ái cho biết: Địa phương hiện có gần 7.200 ĐV-TN, trong đó ĐV-TN là người Raglai chiếm 96%. Đây là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, tự tin, dám nghĩ, dám làm và có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương. Tuy nhiên, vì là địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, ĐV-TN tại địa phương còn gặp nhiều hạn chế về vốn sản xuất, kỹ năng, kiến thức. Chính vì lý do đó, để đồng hành cùng thanh niên trong quá trình lập nghiệp, các cơ sở đoàn của huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị để hỗ trợ thanh niên như: vốn vay, kiến thức; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, qua đó thu hút đông đảo ĐV-TN dân tộc Raglai tham gia.
ĐV-TN huyện Bác Ái triển khai mô hình nuôi gà thả vườn, đạt hiệu quả kinh tế.
Là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, khi bắt đầu lập nghiệp tại quê hương, nhiều ĐV-TN có xu hướng tập trung vào các mô hình sản xuất cây trồng và chăn nuôi. Nắm bắt nhu cầu này, Huyện đoàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu việc làm, tư vấn các mô hình sản xuất kinh tế cũng như tập huấn về kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, qua đó đảm bảo các mô hình kinh tế khi thanh niên triển khai được thuận lợi và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Chỉ tính trong năm 2019, huyện đoàn tổ chức tư vấn việc làm cho hơn 1.500 ĐV-TN và tổ chức 3 lớp tập huấn về phương pháp nuôi heo đen, gà thả vườn, trồng mỳ cao sản cho 200 ĐV-TN; các cơ sở đoàn còn xây dựng các nhóm cùng sở thích, nhóm vần đổi công nhằm tạo môi trường để ĐV-TN trao đổi, học tập kinh nghiệm, kiến thức lẫn nhau trong sản xuất cũng như hỗ trợ ngày công lao động
Bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho ĐV-TN tiếp cận với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, huyện đoàn Bác Ái phối hợp với phong 2 giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho ĐV-TN vay vốn ưu đãi để đầu tư triển khai các mô hình sản xuất. Hiện nay, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đang quản lý tốt các tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 38 tỷ đồng, cho 1.416 ĐVTN vay vốn sản xuất. Từ nguồn vốn ưu đãi đã tạo cơ hội giúp đoàn viên phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi trên, các cơ sở đoàn tại địa phương còn có những cách làm khác nhằm gây quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Đơn cử như Xã đoàn Phước Thắng, nhằm phát huy nguồn vốn tại chỗ, nhanh chóng, không lãi suất giúp cho ĐV-TN có nhu cầu đầu tư, mở rộng các mô hình kinh tế, Xã đoàn thành lập CLB “Áo yêu thương” nhằm gây quỹ từ hoạt động bán quần áo cũ tại chợ. Từ hoạt động này, đơn vị đã hỗ trợ 3 đoàn viên với số vốn gần 7 triệu đồng nhằm đầu tư vào vật tư sản xuất nông nghiệp. Mặc dù số vốn không quá lớn nhưng cho thấy được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế của đông đảo ĐV-TN tại địa phương.
Bằng sự hỗ trợ tích cực của Huyện đoàn càng có nhiều mô hình kinh tế có nguồn nhu nhập trên 100 triệu đồng/năm xuất hiện như: Mô hình nuôi gà thả vườn của thanh niên Pi Năng Thị Chém, mô hình chăn nuôi của thanh niên Cao Mấu Rảm (Phước Đại), mô hình kinh tế tổng hợp của thanh niên Chamaléa Thị Nhĩ (Phước Chính), mô hình trồng bưởi da xanh của thanh niên Bình Tô Hà Rang (Phước Bình), đồng thời tỷ lệ hộ nghèo trong ĐV-TN giảm xuống còn 31%.
Những khởi sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của ĐV-TN hiện nay cho thấy phong trào xung kích trong lao động, sản xuất của ĐV-TN và sự đồng hành tích cực của các cơ sở đoàn huyện Bác Ái đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với ĐV-TN huyện nhà. Các cơ sở đoàn đã phát huy được vai trò cầu nối, hỗ trợ ĐV-TN giải quyết việc làm và tăng thu nhập, qua đó tập hợp được đông đảo thanh niên cùng tham gia, góp phần phát triển kinh tế và tạo diện mạo mới cho địa phương.
Lê Thi