Bùng phát ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, đại dịch COVID-19 hoành hành khắp châu Á, giờ đây Mỹ và châu Âu đã trở thành tâm dịch toàn cầu. Từ cường quốc thế giới như Mỹ, Đức… tới các nước nghèo châu Phi như Somalia hay Guinea Bissau… sự lây lan không biên giới của COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng đến tất cả các cộng đồng.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 17/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đã qua giai đoạn mơ hồ về virus dẫn tới những hành động kỳ thị người gốc Á ở một số nước phương Tây, hay nghĩ rằng COVID-19 là câu chuyện xa xôi ở một châu lục khác. Sau 3 tháng, đến ngày đầu tiên của tháng 4/2020, virus SARS-CoV-2 đã điền tên lên bản đồ của 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 873.000 ca nhiễm và hơn 43.270 ca tử vong. Như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trước sức tàn phá của "kẻ thù chung", "các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người đoàn kết lại”, hợp tác chống dịch chính là trách nhiệm lúc này. Còn thông điệp của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thì mạnh mẽ hơn: "đây là lúc chúng ta cần phải cùng nhau bảo vệ chính mình và bảo vệ nhân loại", để bỏ qua khác biệt, hợp sức đối phó COVID-19.
Các chuyên gia đánh giá, thế giới lúc đầu đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 theo cách không phối hợp với nhau, quá nhiều quốc gia bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và hành động một mình. Giờ đây, khi COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, lối thoát duy nhất là cùng nhau hợp tác, từ cấp độ toàn cầu, khu vực đến quốc gia và mỗi cá nhân.
Trong cuộc chiến toàn cầu này, Liên hợp quốc đang thể hiện vai trò điều phối, hướng tới một cách tiếp cận quốc tế chung đối với đại dịch, như huy động một quỹ ứng phó toàn cầu trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Các thể chế, từ Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều đã và đang phát huy tiếng nói. G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch COVID-19, EU nhất trí phát triển một hệ thống quản lý khủng hoảng châu Âu và một chiến lược chung để đối phó, ASEAN thực hiện chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách hiệu quả để ngăn chặn dịch….
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc ngày 26/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Câu chuyện hợp tác chống dịch COVID-19 là sẵn sàng viện trợ cả sức người lẫn vật tư y tế để hỗ trợ công tác chống dịch cho những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi dịch bệnh mới bùng phát, Trung Quốc bị thiếu hụt nguồn cung y tế nghiêm trọng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã cung cấp vật tư y tế qua quỹ khẩn cấp trị giá 500.000 USD để giúp Trung Quốc. Hàn Quốc viện trợ 2 triệu mặt nạ, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản quyết định trích một phần lương tháng 3 của mỗi nghị sĩ để ủng hộ, với tổng số tiền lên tới 2 triệu yen (18.170 USD). Không chỉ chính phủ, khu vực tư nhân của Mỹ cũng gửi tới Trung Quốc 2 triệu chiếc khẩu trang...
Giờ đây, khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, Trung Quốc quay lại chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những quốc gia đang gặp khó khăn như Italy, Tây Ban Nha, Iran... EU viện trợ nhân đạo hơn 20 triệu USD cho Iran, Pháp Đức và Anh cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Tehran khi cam kết hỗ trợ tài chính bổ sung khẩn cấp gần 5 triệu euro (5,57 triệu USD). Nga, Cuba cử đội chuyên gia tới tâm dịch châu Âu, Italy trong những ngày khó khăn nhất....
Đầu tháng 3, Tập đoàn Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra gói cứu trợ 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển chống dịch thông qua việc tăng cường hệ thống y tế, siết chặt giám sát dịch bệnh. Ủy ban châu Âu triển khai Sáng kiến đầu tư ứng phó với COVID-19, trong đó huy động 25 tỷ euro (27,8 tỷ USD) để hỗ trợ các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động và những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng của các nền kinh tế.
Ngoài viện trợ, hỗ trợ, phối hợp xuyên biên giới, hợp tác chống COVID-19 còn là việc minh bạch thông tin, chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh lẫn kinh nghiệm về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch. WHO từng nhấn mạnh việc chống lại virus đòi hỏi có sự giám sát mạnh mẽ để tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và điều trị mọi trường hợp nhiễm bệnh, từ đó có thể phá vỡ chuỗi lây lan của virus. Chính vì vậy, việc các nước liên tục cập nhật số ca nhiễm và tử vong, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh đã giúp thế giới nắm được tình hình bùng phát theo từng khu vực, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Như trường hợp Việt Nam, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định LHQ đã sử dụng kinh nghiệm chống dịch giai đoạn đầu hiệu quả của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
Nhân viên y tế kiểm tra bộ kit xét nghiệm virus Corona tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bên cạnh sự phối hợp quốc tế giữa các chính phủ, hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách cũng được tăng cường. Một trong những hướng hợp tác chính hiện nay là tập hợp mọi nguồn lực để tìm ra các phương pháp điều trị mới và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. EU phân bổ 140 triệu euro (155,8 triệu USD) từ ngân sách cho các dự án nghiên cứu triển vọng về vaccine, chẩn đoán và chữa trị. Vương quốc Anh đóng góp 544 triệu USD vào quỹ toàn cầu nghiên cứu bào chế vaccine. Chính phủ Mỹ và công ty Johnson& Johnson (J&J) quyết định cùng đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine. Senegal phối hợp với phòng nghiên cứu Mologic của Anh phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm virus cho kết quả chỉ trong 10 phút. Nhiều nước trên thế giới cũng muốn Việt Nam chia sẻ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2, bộ sinh phẩm real-time RT-PCR do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á chế tạo.
Đó còn là sự hợp tác của các tập đoàn công nghệ và các nước để chống tin giả. Các tập đoàn công nghệ Microsoft Corp, Facebook, Google và Twitter đang phối hợp để dập tắt các thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch COVID-19 trên nền tảng của mình. Các công ty LinkedIn, Reddit và YouTube cũng phối hợp với chính phủ các nước để chia sẻ những cập nhật quan trọng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Google phối hợp với Chính phủ Mỹ phát triển một trang web chuyên cung cấp các thông tin về dịch bệnh, cách phòng ngừa và các nguồn lực phòng chống dịch trên cả nước. Facebook thông báo cấm các quảng cáo sai lệch về các sản phẩm chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh COVID-19 và gây hoang mang trong cộng đồng. Đặc biệt, ngày 25/3, nhóm COVID-19 CTI League, gồm gần 400 tình nguyện quốc tế viên chuyên vấn đề an ninh mạng từ 40 quốc gia, đã được thành lập để phối hợp đối phó với các vụ tấn công mạng liên quan đến dịch COVID-19.
Hợp tác toàn cầu lúc này cũng liên quan tới hạn chế thiệt hại kinh tế bằng cách phối hợp các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ và bảo vệ giao thương hàng hóa toàn cầu, hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn. Phối hợp giữa các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính quốc tế là cách khả thi duy nhất.
Một bệnh nhân tình nguyện sử dụng máy trợ thở CPAP do các nhà nghiên cứu của Đại học College London (UCL) phối hợp với các kỹ thuật viên đội đua Công thức 1 Mercedes sáng chế, ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Không thể quên nhắc tới sự hợp tác của mỗi người dân và chính quyền. Đó là việc tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của chính quyền về cách ly xã hội, ở yên trong nhà, khai báo trung thực... Đó còn là chung tay, góp sức cùng chính quyền trong cuộc chiến chống COVID-19. Tại Anh, sau chưa đầy một ngày huy động, đã có hơn nửa triệu người đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) với các công việc cụ thể như vận chuyển, cung cấp thực phẩm, thuốc men, chuyên chở người bệnh đi khám và gọi điện cập nhật tình hình những người đang cách ly tại nhà… Khoảng 11.000 cựu nhân viên cứu thương, hơn 24.000 sinh viên và học viên năm cuối ngành y tế Anh cũng tham gia chống dịch.
Tại Séc, cộng đồng người Việt, dân tộc thiểu số lớn thứ ba tại quốc gia châu Âu, được ca ngợi “là cộng đồng người nước ngoài duy nhất tại Séc đã hỗ trợ các bệnh viện, lực lượng ứng cứu và người dân Séc” bằng nhiều cách trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, từ may khẩu trang tặng, cung cấp đồ uống và đồ ăn miễn phí, quyên góp tiền mua máy trợ thở…
Đó cũng là khi mỗi cá nhân thể hiện tình đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất, như người cao tuổi, người ốm yếu, người nghèo… bằng sự đùm bọc, chia sẻ, điều đang được chứng kiến ở khắp nơi trong đại dịch…
Không phải bây giờ thế giới hơn 7,7 tỷ người mới đương đẩu với thách thức toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… - những “kẻ thù chung” đòi hỏi phải hợp tác xuyên biên giới để đối phó. Lần này, cả thế giới cũng đang "chung chiến hào chống giặc", hợp sức, đồng lòng trước "kẻ thù vô hình COVID-19" là điều tất cả các nước cần cùng nhận thức và hành động.
Theo TTXVN/Báo Tin tức