Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2011

Sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá

Ngày 30-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3. Ðánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I-2011, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ đầu năm tính đến ngày 15-3 ước đạt hơn 126 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán năm, cao nhất trong vòng ba năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến kết luận phiên họp.

 Tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt hơn 2,37 tỷ USD, bằng 66,9% so cùng kỳ năm trước. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện các giải pháp về đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát. Ðến nay, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của 30 bộ, ngành ở T.Ư, 63 tỉnh, thành và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng vốn gần 3.400 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 3-2011 ước đạt hơn 7 tỷ USD, tính chung quý I ước đạt hơn 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 3-2011 ước khoảng 8,2 tỷ USD, tính chung quý I ước khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu ba tháng đầu năm 2011 ước hơn 3 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,17% so tháng trước. So tháng 12-2010, CPI tháng 3 tăng 6,12%. Do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2011 ước đạt 5,43%, thấp hơn tốc độ tăng quý I-2010 (5,83%). Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 ước đạt hơn 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I ước đạt hơn 198,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt hơn 150,2 nghìn tỷ đồng, tính chung quý I ước đạt hơn 451,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2010.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn hỗ trợ cho người nghèo khi tăng giá điện, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần tăng cường quan tâm, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp tập trung. Bộ Tài chính trình Chính phủ kiến nghị giải quyết khó khăn đột xuất cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội có mức lương thấp, các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo; hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ NQ11, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và dư luận xã hội, đạt kết quả bước đầu, cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình hiện nay nổi lên các khó khăn như cân đối nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, lãi suất cho vay còn cao... Do đó, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng phải tính tới duy trì và phát triển sản xuất, không để mức tăng trưởng sản xuất thấp hơn năm 2010, nhất là không để giảm công ăn việc làm. Thủ tướng lưu ý, trong quá trình thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải cố gắng quản lý hệ thống ngân hàng cũng như lãi suất. Trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải tăng cường tiết kiệm chi phí, giảm bớt lương, thưởng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, từng bước giảm lãi suất cho vay. NHNN phải trình Thủ tướng lộ trình chống đô-la hóa, trong đó đề xuất các biện pháp cụ thể trên tinh thần siết chặt quản lý nhưng không gây rối loạn trong đời sống xã hội. Cá nhân, đơn vị nào làm trái phải xử lý đúng theo pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp nhà nước phải nghiêm chỉnh bán ngoại tệ cho ngân hàng. Kiên quyết dẹp bỏ tình trạng kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, không để vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán, đầu cơ. Tuy nhiên, Nhà nước tôn trọng quyền sở hữu vàng chính đáng của người dân. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, NHNN phải bảo đảm đủ nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, đồng thời phải tìm cách tăng dự trữ ngoại tệ.

Ðối với lĩnh vực sản xuất, đời sống, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tiếp tục rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư chưa thật sự cần thiết, không hiệu quả để dành vốn cho các dự án quan trọng sắp hoàn thành. Quá trình thực hiện cần chú ý xử lý vướng mắc phát sinh đối với những dự án bệnh viện, nhà ở cho sinh viên...; nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ để tiếp tục thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những công trình này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống, đi liền là việc tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, phát triển thành phong trào sâu rộng trên cả nước. Năm nay, dự kiến cả nước thiếu khoảng 3 tỷ Kw giờ điện. Nếu làm tốt công tác tiết kiệm điện thì chúng ta có thể cân đối được nguồn điện. Ðể hạn chế nhập siêu, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng chưa thật sự cần thiết, nhất là ô-tô, xe máy, rượu, điện thoại di động, mỹ phẩm... trong đó kiên quyết kiểm tra, phát hiện và xử lý gian lận về giá nhập khẩu ô-tô chống thất thu cho NSNN. Nếu làm tốt công tác này sẽ tiết kiệm được nguồn ngoại tệ quan trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu khác.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát thị trường bất động sản, khuyến khích phát triển nhưng phải bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ. Các bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối hợp sử dụng công cụ thuế để kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình ổn giá, kiểm soát thị trường giá cả, chống buôn lậu, đầu cơ, nâng giá, tăng cường vận động dưới nhiều hình thức các hộ kinh doanh không lợi dụng "té nước theo mưa" tăng giá.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Các chính sách mới ban hành phải hướng dẫn, công khai, tổ chức thực hiện tốt, như chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hỗ trợ người thu nhập thấp... Về vấn đề tai nạn giao thông gia tăng, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông cần có biện pháp, tập trung xử lý vấn đề hạn chế tình trạng uống rượu bia rồi lái xe, dễ gây tai nạn.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết cho các phương tiện truyền thông để tuyên truyền đúng chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.

Chiều 30-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tóm tắt những nội dung chính của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2011. Ðại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo chung quanh các vấn đề được dư luận quan tâm như: kiểm soát giá cả, tăng giá xăng dầu, lãi suất, ngoại hối,...

Nguồn Báo Nhân Dân online