Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: H.Hoà
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Việt khẳng định: Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách thu hút những trí thức, những nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia vào Chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp sau cách mạng. Từ đó đến nay, trải qua các thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, hòa bình và thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú ý tới việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, đã hình thành các trường chuyên để đào tạo những học sinh có năng khiếu. Nhiều sinh viên giỏi đã được cử đi đào tạo, học tập ở các nước tiên tiến. Đảng và Nhà nước đã sớm có chủ trương xây dựng quy hoạch cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện luân chuyển cán bộ để tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ và trưởng thành qua thực tiễn. Trong quá trình này, nhiều cán bộ đã thể hiện được tài năng, được bổ nhiệm vào những cương vị lãnh đạo, quản lý. Đảng và Nhà nước ta cũng đổi mới về nhận thức, có những chủ trương, chính sách để thu hút nhân tài trên các lĩnh vực khác nhau, ở trong nước và ngoài nước; đồng thời tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng của mình đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này cũng vẫn biểu hiện những hạn chế, bất cập do những nguyên nhân như: thiếu chương trình, kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược về phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; chưa phát huy đầy đủ dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ; chính sách đãi ngộ chưa đồng bộ, chưa đủ sức thu hút nhân tài vào công tác trong hệ thống chính trị… Những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” và nhiều người tài rời bỏ khu vực công sang khu vực tư làm việc. Thực tế này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài để tạo sự chỉ đạo thống nhất và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài, trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để chỉ đạo thống nhất và triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về nhân tài. Để chiến lược này có tính khả thi và hiệu quả cần phải có những nghiên cứu sâu về cả lý luận và thực tiễn để xác định những luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược. Đề tài nghiên cứu “Cơ sở lý luận và thực tiễn của Chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Ban Tổ chức Trung ương tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực tiễn về nhân tài và chiến lược nhân tài trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đánh giá thực trạng về nhân tài, xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước liên quan đến nhân tài ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đề tài cũng tập trung nghiên cứu xây dựng, đề xuất các quan điểm về nhân tài, các định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách, cơ chế, biện pháp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam