Các ngành hàng hải
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: “Điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy là hai ngành có chỉ tiêu cao nhất trường nhưng nhiều năm nay giậm chân ở mức 13-14 điểm và khó tuyển, trong khi học ngành này mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp được tính bằng ngàn đôla”. Năm nay, trường dự kiến tuyển nữ cho hai ngành này do chủ tàu ở Bắc Âu đặt hàng và vì trên thế giới lao động nữ ở ngành này đang có xu hướng tăng lên, có thể làm quản lý cảng biển, hoa tiêu...
Nhiều chủ tàu biển đặt hàng đào tạo sĩ quan thực tập. Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải là liên doanh giữa Trường Đại học Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Đào tạo vận tải biển và giao thông STC-Group Hà Lan, đã tìm nhiều học bổng và việc làm cho sinh viên các ngành đi biển (điều khiển tàu biển và máy tàu thủy).
Ngay khi tốt nghiệp, sinh viên được thực tập trên tàu nước ngoài với chức danh sĩ quan thực tập, nhận phụ cấp ít nhất 400 USD/tháng; được học miễn phí bất kỳ khóa học đào tạo bổ sung theo yêu cầu của Công ước Quốc tế STCW’95 hoặc của công ty tàu để đạt được chứng chỉ chuyên môn mức vận hành (sĩ quan hàng hải cấp thấp) và mức quản lý (sĩ quan hàng hải cấp cao); được tuyển dụng làm sĩ quan hàng hải làm việc trên các tàu hiện đại và mức lương sĩ quan theo tiêu chuẩn của châu Âu…
Hiện trung tâm đã ký thỏa thuận với nhiều đối tác nước ngoài như Tập đoàn Vận tải biển Stolt-Nielsen (SNTG) Hà Lan, Tập đoàn Münchmeyer Petersen Crewing (MPC) Đức, Công ty Vận tải biển Seatrade Groningen BV Hà Lan, Công ty Vận tải biển Triton Đức, Hiệp hội Chủ tàu Na Uy, Công ty Vận tải biển Wagenborg Hà Lan và Công ty Quản lý tàu biển Graig Anh. Các tập đoàn này sở hữu đội tàu biển gồm hơn 2.000 chiếc. Hiện nay đã có khoảng 260 sinh viên và sĩ quan thực tập của Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM đã ký hợp đồng với các công ty vận tải này và được cấp học bổng hoặc phụ cấp đi thực tập trên tàu.
Nguyễn Anh Linh