Chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn huyện Bác Ái

Trong những năm qua, sản xuất nông- lâm nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi tăng trưởng chưa cao, cơ cấu sản xuất nông- lâm nghiệp chuyển dịch chậm, kinh tế trang trại và các làng nghề chưa thực sự phát huy lợi thế của từng vùng. Trong quá trình sản xuất, nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số chưa biết áp dụng các quy trình, phương thức canh tác mới. hiệu quả kinh tế nhất là trong sản xuất nông nghiệp năng suất, phẩm chất sản phẩm rất thấp. Vì vậy việc đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cho vùng này là điều rất cần thiết.

Mô hình nuôi heo địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện Bác Ái, Sở Khoa học và Công nghệ đựơc phân công : “Đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đề xuất và triển khai phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương”. Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2009 – 2010, Sở KH&CN đã tập trung ưu tiên các lĩnh vực hoạt động KH&CN cho huyện Bác Ái:

Về chính sách, có cơ chế ưu tiên hỗ trợ về định mức trong việc triển khai các đề tài, dự án, mô hình trình diễn, như: hỗ trợ giống cây trồng và giống vật nuôi, nguyên vật liệu: phân bón, công lao động… nhằm khuyến khích chủ nhiệm đề tài, dự án quan tâm thực hiện trên địa bàn huyện Bác Ái.

Trong 2 năm đã triển khai được 20 đề tài cấp tỉnh, cấp huyện về các lĩnh vực Nông nghiệp&PTNT, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa; chuyển giao công nghệ, mô hình trình diễn KHCN. Cụ thể: Về giống cây trồng mới: Bắp lai NK67, Lúa nước ML48, đậu xanh, đậu phộng, tre Điềm Trúc..; Về giống vật nuôi: Heo địa phương, gà H’Mông,..; Về chuyển giao công nghệ: Lọc nước sinh học Biosand, xử lý nước sinh hoạt, ứng dụng điện mặt trời, quy trình canh tác lúa nước bằng các phương pháp: gieo sạ hàng bằng máy, “1 phải 5 giảm”, phần mềm phòng chống lũ quét, website thông tin KHCN; về y tế, văn hóa, xã hội: nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bảo tồn các giống cây thuốc quý, bảo tồn đa dạng sinh học..

Có thể nói, hiệu quả từ các chương trình, đề án, dự án đã mang lại hiệu quả KT-XH cho người dân địa phương là rất lớn. Về cây lúa nước, năng suất giống ML48 đạt 5 tấn/ha, cao hơn năng suất hộ dân 1,7 lần; heo địa phương rút ngắn được thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, bảo tồn giống heo quý; Cây bắp lai NK67 đạt năng suất 6,3 tấn/ha cao hơn năng suất hộ dân 1,5 lần; tre Điềm Trúc, dự kiến năng suất đạt 12 tấn/ha măng tươi, giá bán ra thị trường từ 10.000- 15.000 đồng/kg, lãi 15 triệu đồng/ha; điện mặt trời góp phần cung cấp ánh sáng cho các hộ dân tại thôn Suối Khô (chưa có lưới điện đi qua...); công nghệ xử lý nước đã xử lý nguồn nước nhiễm vôi, công suất 5m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho bà con…

Thông qua việc triển khai các chương trình KHCN trên địa bàn huyện Bác Ái đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con Ra glai trong việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ hộ trung bình tăng, hộ nghèo giảm. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên so với trước, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Trong thời gian đến, ngành tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình chuyển giao công nghệ mới và triển khai Dự án xây dựng Trại thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch của UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ.