Nghiên cứu 3 phương thức điều trị nCoV

Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, các nhà khoa học đang thử nghiệm dùng các loại thuốc điều trị HIV, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) hay điều trị virus Ebola để chữa trị.

Theo Giáo sư Yazdan Yazdanpanah, Giám đốc Viện Miễn dịch, viêm, nhiễm và vi sinh (I3M) thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM), chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay các nước đang nghiên cứu 3 phương thức điều trị bệnh nhân nhiễm nCOV.

Trung Quốc có thêm 3.143 ca nhiễm nCOV mới và 73 ca tử vong
tại 31 khu vực trên cả nước trong ngày 6/2

Phương thức đầu tiên là dùng Kaletra, một loại thuốc khá cũ của Hãng AbbVie (Mỹ) thường dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Thuốc sử dụng kết hợp 2 hoạt chất kháng virus lopinavir và ritonavir.

Phương thức thứ 2 là sử dụng kết hợp thuốc Kaletra với protein interferon (kháng virus kết hợp với tăng cường hệ miễn dịch). Cách điều trị này từng được thử nghiệm vào năm 2012 trong điều trị MERS-CoV ở Saudi Arabia. Phương thức này đang được thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh nhân nhiễm nCOV.

Phương thức thứ 3 là sử dụng hoạt chất remdesivir (phân tử kháng virus) đã từng được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Thuốc do hãng dược phẩm Gilead của Mỹ điều chế. Tạp chí khoa học Nature đánh giá phương thức điều trị này cho hiệu quả cao hơn dùng thuốc Kaletra.

Ngày 3/2, Trung Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba đối với hoạt chất remdesivir trong điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.

Hiện WHO đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng quốc tế để thẩm định hiệu quả điều trị của 3 phương thức nêu trên.

WHO triệu tập diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại Geneva

Trong một diễn biến liên quan, WHO đang lên kế hoạch triệu tập một diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu nhằm huy động hành động quốc tế để ứng phó với nCoV. Diễn đàn sẽ được tổ chức từ ngày 11-12/2 tại Geneva với sự cộng tác của Tổ chức Nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Diễn đàn sẽ tập hợp các nhà khoa học hàng đầu, các cơ quan y tế công cộng, các bộ chăm sóc sức khỏe và các nhà tài trợ nghiên cứu nCoV, phát triển vaccine, trị liệu và chẩn đoán vì sức khỏe cộng đồng. Những người tham gia sẽ thảo luận một số lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm xác định nguồn gốc của virus cũng như chia sẻ các mẫu sinh học và trình tự di truyền.

Cuộc họp dự kiến sẽ tạo ra một chương trình nghiên cứu toàn cầu về nCOV, thiết lập các ưu tiên và khuôn khổ dự án nào được thực hiện trước tiên. Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO cho rằng sự hiểu biết về dịch bệnh, các ổ dịch, sự lây truyền, mức độ nghiêm trọng lâm sàng và phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả là rất quan trọng để kiểm soát ổ dịch, giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như các tác động về kinh tế.

*Giới chức y tế Trung Quốc sáng 7/2 thông báo đã có thêm 3.143 ca nhiễm nCOV mới và 73 ca tử vong tại 31 khu vực trên cả nước trong ngày 6/2.

Theo www.chinhphu.vn