Virus corona mới bị đồn là vũ khí sinh học của Trung Quốc?
Theo tờ Foreign Policy, tính đến sáng 31/1, đã có 213 người chết vì loại virus mới này và trên 9.600 ca nhiễm bệnh. Ổ dịch và là nơi có khoảng 1/3 ca nhiễm bệnh là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc. Virus kèm thuyết âm mưu đang lây lan nhanh chóng toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc rất lo ngại về dịch bệnh và đã phong toả nhiều thành phố để kiềm chế lây lan nhưng giới chức y tế nhấn mạnh dư luận không nên hoảng loạn, đặc biệt là ở các nước phương Tây - nơi nguy cơ nhiễm bệnh ở mức thấp.
Chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản được nhiều thuyết âm mưu vô căn cứ.
Ngày 26/1, tờ Washington Times đã đăng bài viết tuyên bố đợt bùng phát virus Corona này có thể liên quan tới một phòng thí nghiệm quân sự ở Vũ Hán. Cơ sở duy nhất của tuyên bố này dựa trên phát biểu của cựu quan chức tình báo Israel tên là Dany Shoham - chuyên gia về chiến tranh sinh học. Ông Shoham nói với tờ Washington Times: "Một số phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán có thể đã tham gia nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học".
Dù ông Shoham không tán thành với kết luận được đưa ra trong bài báo rằng đợt bùng phát dịch virus Corona hiện nay bắt nguồn từ vũ khí sinh học, nhưng nhiều tờ báo đã vội vàng dùng ý kiến này để giật tít và đưa tin.
Đài phát thanh Texas KPRC đã đăng tin lên trang web, kết luận là một số chuyên gia tình báo cho rằng cơ quan chiến tranh sinh học của quân đội Trung Quốc có thể có liên quan. Như vậy, phỏng đoán chung chung của một cựu quan chức Israel đã bị bóp méo thành ý kiến của nhiều chuyên gia tình báo.
Cây bút Candice Malcolm của tờ Toronto Sun thậm chí sau đó đã thổi phồng thuyết âm mưu này trên chương trình phát trên YouTube cá nhân: "Tại sao truyền thông chính thống không nói về nguồn gốc của virus chết người này? Liệu virus có liên quan tới chương trình chiến tranh sinh học của Trung Quốc hay không?"
Đây không phải là lần đầu tiên ông Shoman đưa ra các thuyết âm mưu. Năm 2017, ông này đã phát biểu trên đài Sputnik của Nga, trong đó nói rằng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã truyền kinh nghiệm phát triển vũ khí hoá học cho các nhóm ở phương Tây.
Trang web thuyết âm mưu GreatGameIndia, trang từng phát tán thông tin tình báo Anh bắn hạ máy bay MH17 ở Ukraine năm 2014, tuần trước đăng thông tin cho rằng các nhà nghiên cứu Canada đã bán dòng virus corona này cho Trung Quốc.
Trang web này cho hay Xiangguo Qiu, từng là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vi sinh vật Quốc gia ở Winnipeg, tỉnh Manitoba, Canada, là thủ phạm. Mặc dù bà Qiu bị cảnh sát "hỏi thăm" tại phòng thí nghiệm năm 2019 nhưng không liên quan tới yếu tố an ninh quốc gia. Bà không bị cáo buộc gì mà các nguồn tin nói sự cố chỉ liên quan tới việc giấy tờ và luật pháp.
Đeo khẩu trang phòng lây nhiễm virus corona tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Tác hại của thuyết âm mưu
Ông David Fisman, Giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto (Canada), nói rằng virus Corona hiện nay là chủng mới. Virus mới, đặc biệt là virus lan nhanh, có thể gây hoảng loạn. Hoảng loạn dẫn tới các thuyết âm mưu nhưng các dịch bệnh biến đổi nhanh và nhiễm sang con người chỉ là một phần của tự nhiên. Đây là những dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.
Thuyết âm mưu về vũ khí sinh học cũng từng xuất hiện khi xảy ra dịch SARS năm 2003 và đã được chứng minh là sai. Trang tin BuzzFeed News đã liệt kê danh sách 19 tin đồn, ảnh sai và thông tin sai liên quan tới đợt bùng phát dịch bệnh do virus Corona tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Các trang web về chủ nghĩa sinh tồn tràn ngập thông tin về đợt dịch này, cảnh báo dịch có thể nguy hiểm ngang cúm Tây Ban Nha. Trang thuyết âm mưu Inforwars cũng nhanh chóng đăng thông tin sai lệch và bịa ra các con số.
Trên trang Reddit, vô số kênh chuyên đăng thông tin về dịch bệnh mới đã mọc lên, trở thành chỗ để người ta hoảng sợ, lo lắng không có cơ sở.
Người dùng đăng thông tin về các chuyến bay từ Trung Quốc và khuyến khích tích trữ đồ. Có người còn vẽ bản đồ phóng đại và nói con số người chết thực tế sẽ là 8.000 người và 11,5 triệu người nhiễm virus trong tháng tới.
Ông Fisman cho rằng lan truyền thông tin kiểu này thật đáng sợ và vô trách nhiệm.
Người ta sợ rằng sự hoảng loạn có thể khiến một số người coi mọi người châu Á đều là tác nhân truyền bệnh. Quan chức y tế ở British Columbia, bà Bonnie Henry, nói: "Điều tôi rất lo ngại là loại tin đồn này có thể dẫn tới sự phân biệt đối xử không phù hợp với mọi người. Chúng ta cần thận trọng với tin đồn và nhận ra đó chỉ là tin đồn".
Theo TTXVN/Báo Tin tức