Nhận thấy những khó khăn, vất vả trong quá trình trồng và chăm sóc cây nho của nông dân Ninh Thuận, hai em Nguyễn Văn Đại và Bùi Như Ý, học sinh Trường THPT Trường Chinh đã triển khai thực hiện “Mô hình hệ thống bảo vệ và chăm sóc vườn nho thông minh”. Với những kiến thức đã học, cộng với quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các vườn nho trên địa bàn tỉnh, hai em đã thiết kế mô hình bảo vệ và chăm sóc vườn nho thông minh gồm giàn che tự động khi có mưa; giàn che tự động vào ban đêm tránh sương muối; giàn che nắng tự động; hệ thống tưới nhỏ giọt; hệ thống đo độ ẩm đất tự động; hệ thống phun thuốc điều khiển từ xa và hệ thống camera dùng để quan sát, theo dõi giàn nho trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Mô hình này xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi. Theo Ban Giám khảo đánh giá, “Mô hình hệ thống bảo vệ và chăm sóc vườn nho thông minh” nếu được ứng dụng vào thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nhóm tác giả Nguyễn Văn Đại và Bùi Như Ý (Trường THPT Trường Chinh) đạt giải Nhất với Mô hình hệ thống bảo vệ và chăm sóc vườn nho thông minh.
Mô hình trên chỉ là một trong số nhiều dự án được Ban Giám khảo đánh giá có tính thực tiễn cao, hữu ích trong công tác dạy và học, trong lao động sản xuất và trong đời sống sinh hoạt. Tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình nhà thông minh; thiết bị hỗ trợ dạy và học môn nhảy xa theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chân máy hỗ trợ người bị liệt 2 chi dưới; máy tập vận động cho bệnh nhân liệt tay, liệt chân; mô hình máy bón phân điều khiển tự động; máy cắt chuối, rau củ; máy bơm nước không dùng nhiên liệu,…
Thầy giáo Nguyễn Trần Thái Vũ, Giáo viên Trường THPT Trường Chinh cho biết, nhờ cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật được tổ chức hàng năm, phong trào nghiên cứu khoa học của thầy và trò nhà trường được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây cũng là hướng đi nằm trong mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay hướng tới phát huy năng lực của người học, học sinh không chỉ nắm kiến thức mà còn biết thực hiện sản phẩm cụ thể. Năm học 2018 – 2019, trường có 1 dự án được giải nhất cấp quốc gia cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật, năm nay tiếp tục mang 2 dự án đi thi cấp tỉnh đều đạt giải cao, 1 giải nhất, 1 giải nhì. Nhìn chung các dự án đều xuất phát từ ý tưởng giản dị, gần gũi, gắn với cuộc sống đời thường, được học sinh tự tìm tòi, sáng chế thông qua những nguyên vật liệu sẵn có tiết kiệm, thân thiện với môi trường, giảm sức lao động của con người.
Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ khơi dậy đam mê, mà còn động viên khuyến khích học sinh vận dụng khoa học vào đời sống thực tiễn. Để chuẩn bị cho cuộc thi năm nay đạt kết quả tốt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm học tới 100% các trường THPT công lập, ngoài công lập và các trường THCS trên toàn tỉnh. Tuy năm nay số lượng dự án dự thi ít hơn cuộc thi năm trước nhưng theo đánh giá của Ban Giám khảo, tất cả các dự án đều có tính thực tiễn rất cao. Kết quả, Ban tổ chức đã chọn ra 16/28 dự án để trao giải, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Nhất thuộc về Mô hình hệ thống bảo vệ và chăm sóc vườn nho thông minh của nhóm tác giả Nguyễn Văn Đại và Bùi Như Ý (Trường THPT Trường Chinh); giải Nhì được trao cho Mô hình nhà thông minh của tác giả Võ Thanh Minh Nhật (Trường THPT Trường Chinh). Các dự án này được chọn để dự thi Cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2019-2020 vào tháng 3-2020 tại TP. Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2019-2020 đánh giá cao 2 dự án được giải Nhất và giải Nhì; đồng thời cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm tác giả đầu tư, cải tiến, hoàn chỉnh các mô hình nhằm đạt được thành tích cao tại Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp quốc gia.
Minh Thương