Câu chuyện về một thầy giáo tuổi đã hơn 40. Khi nhiều giáo viên cùng thời đã chuyển sang các dòng xe đời mới thì anh vẫn gắn bó với chiếc xe máy ware@ thế hệ đầu nay đã cũ kỹ. Lịch làm việc của anh, ngoài thời gian đứng lớp thì chủ yếu là các buổi đi làm thiện nguyện cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh lặn lội khắp Tà Nôi, Tầm Ngân, Tập Lá, Liên Sơn, Phước Hà, Đá Hang, Cầu Gãy… để tìm hiểu đời sống của học sinh nơi đây và tìm hướng giúp đỡ. Công việc thiện nguyện của anh không chỉ là vận động hỗ trợ sách vở, quần áo, học bổng cho học sinh nghèo mà còn là giúp nông dân bán củ khoai lang giải cứu khi rớt giá và kêu gọi hiến máu cứu người trong hoàn cảnh cấp bách đến quyên góp tiền đóng viện phí giúp đỡ bệnh nhân nghèo vượt qua cơn nguy kịch. Hay kể cả tìm nguồn hỗ trợ giúp người nghèo xây nhà để an cư lạc nghiệp…
Bạn Trần Thanh Phương ở phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tặng xe đạp và tiền hỗ trợ cho học sinh Trường TH và THCS Lê Đình Chinh.
Anh là Ngô Sỹ Long, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi. Theo nhận xét của nhiều người thì đó là một thầy giáo giàu lòng yêu nghề, giàu tình thương và lòng nhân ái. Tôi luôn nghĩ, học trò của anh hẳn là người may mắn khi có một người thầy như thế. Tôi đã thấy rất đông những nhóm học sinh vẫn thường đi theo anh, phụ giúp anh rất nhiều trong các công việc thiện nguyện ấy. Chính từ hoạt động đó, anh không chỉ giúp người trong cuộc vượt qua khó khăn, nghịch cảnh mà còn gieo hạt giống yêu thương, tử tế, giàu lòng trắc ẩn vào tâm hồn bao lứa học trò. Anh vẫn luôn bảo: Trái tim thì nhỏ mà thế giới bao la quá. Hãy cứ san sẻ và yêu thương nhau.
Hay như câu chuyện tôi vừa được nghe cô giáo Nguyễn Thị Thế, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, xã Công Hải (Thuận Bắc) kể lại. Chuyện xảy ra khá phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0. Đó là một giờ học thể dục. Khi hết giờ, các bạn đã vào lớp. Có ba học sinh nam vẫn ở lại sử dụng dụng cụ học tập thể dục nghịch ngợm và quay phát trực tiếp trên facebook. Sự việc được phát hiện kịp thời. Sau khi gọi vào phòng, cô Thế đã giảng giải cho các em hiểu về những hậu quả việc mình làm và cho nhóm học sinh này nghỉ học một buổi để suy nghĩ lại hành động của mình. Cô cũng thông báo với các em, buổi chiều cô sẽ lên giải trình với Phòng Giáo dục huyện về sự việc xảy ra và chịu trách nhiệm với phòng. Thật ngạc nhiên, chiều hôm ấy, khi đến làm việc, cô thấy 3 em đứng đợi ở cửa phòng mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hỏi ra mới biết, các em muốn được đi cùng cô lên nhận lỗi với phòng giáo dục để cô giáo không bị kiểm điểm. Cô Thế đã rất bất ngờ, cảm kích trước suy nghĩ và hành động nhỏ nhưng rất đỗi tử tế của các em, những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở Công Hải. Các em dù còn nhỏ nhưng đã biết nhận lỗi và dám chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình gây nên.
Tử tế không nhất thiết phải là sẵn sàng chuẩn bị những món quà bằng vật chất để trao đi. Tử tế, đơn giản chỉ là những suy nghĩ, hành động rất nhỏ, rất đơn giản trong cuộc sống đời thường mỗi chúng ta. Bất kể người lớn, trẻ em, người giàu, người nghèo, ai ai cũng dễ dàng lan tỏa sự tử tế. Và cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên thú vị, đáng yêu và nhẹ nhàng hơn nhiều khi sự tử tế được lan tỏa bằng cấp số nhân. May mắn cho tôi khi được làm nghề báo, được đi nhiều, gặp gỡ và chứng kiến nhiều câu chuyện hữu tình như thế. Những câu chuyện rất đỗi nhân văn và thấm đượm tình người. Tôi nhận ra, có một nghịch lý không hề nhỏ, rằng: Sự tử tế, lòng nhân ái, càng cho đi lại càng giàu thêm và nó xuất phát từ chính suy nghĩ, trái tim của mỗi con người.
Giao thừa điểm, ngoài kia bao tiếng reo vui, hân hoan chào xuân mới. Lòng tôi mỉm cười nhẹ nhàng nghĩ về những câu chuyện đẹp chất chứa tình người. Giây phút ấy, tôi mong sao những câu chuyện như thế sẽ được nhân lên ngày một nhiều và nhiều hơn nữa. Ước vọng đầu xuân!
Hà Anh