Ngược thời gian về năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30 ngàn học sinh (HS) phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non (MN) hầu như không có. Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung vẫn còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV). Toàn tỉnh chỉ có 199 trường MN, phổ thông. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ HS bỏ học còn cao. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục ngoài công lập, giáo dục HS khuyết tật… chưa được quan tâm, chú trọng.
Giờ lên lớp của thầy và trò Trường THPT Phan Chu Trinh (Ninh Hải).
Được sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, đến nay, ngành GD&ĐT có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Mạng lưới, quy mô trường, lớp nhất là các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố và mở rộng; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT phấn khởi cho biết: Nét nổi bật trong sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà những năm qua chính là CSVC trường, lớp ngày càng được nâng cấp, mở rộng, không còn phòng học ca 3 ở các cấp học. Cùng với đó, trình độ CBGV và chất lượng giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể. Công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) được quan tâm đẩy mạnh góp phần kiên cố hóa trường lớp, giảm tải áp lực cho các trường công lập và nâng cao chất lượng dạy-học theo hướng hội nhập quốc tế.
Tính đến đầu năm học 2019-2020, tỉnh ta có 315 cơ sở giáo dục với trên 10.100 CBGV, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho trên 140.000 HS các cấp (trong đó, có 118 trường đạt chuẩn quốc gia). CSVC trường, lớp từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa; số phòng học nhờ, học tạm giảm rõ rệt, số phòng học bộ môn tăng dần. Trong đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp CSVC, mua sắm trang thiết bị dạy học; trong đó, xây mới 431 phòng học, sửa chữa 279 phòng, sửa chữa và xây mới 74 công trình vệ sinh… Bên cạnh các trường công lập bình thường, trên địa bàn tỉnh còn có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; có Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn-thành lập, đi vào hoạt động từ năm học 2008-2009 với nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đối với công tác giáo dục HS khuyết tật, năm 2015, tỉnh thành lập đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giúp trẻ khuyết tật được học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp để có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cùng với CSVC, trình độ CBGV và chất lượng giáo dục cũng được nâng lên; tình trạng lưu ban, bỏ học giảm dần. Đến nay, toàn tỉnh có 13 CBGV có trình độ tiến sĩ, 376 CBGV có trình độ thạc sĩ, 6 CBGV được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; hầu hết giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Có 100% xã, phường, huyện, thành phố được công nhận xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi; 64/65 xã đạt chuẩn phổ cập TH, THCS. Trong năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 7.965 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS, đạt 99,78%; 4.531 HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT, đạt 86,75%; tỷ lệ HS bỏ học giảm còn 0,91%. Đối với giáo dục mũi nhọn, có 232 HS đạt giải kỳ thi chọn HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, 8 HS đạt giải HS giỏi văn hóa cấp quốc gia. Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh đạt 20 giải, cấp quốc gia đạt 2 giải Nhất và Ba… Đối với giáo dục dân tộc, chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực, với số HS được đánh giá trung bình trở lên về học lực cấp THCS đạt 93,9% (tăng 3,8%), cấp THPT đạt 91,1% (tăng 7,2%). Tỷ lệ HS dân tộc đỗ tốt nghiệp THPT cũng có nhiều khởi sắc. Trong đó, nổi bật là Trường PT DTNT Pi Năng Tắc (Bác Ái) đạt 100%; Trường THPT DTNT tỉnh 98,88%; Trường THPT Bác Ái tuy có điều kiện dạy-học còn khó khăn song đã có 88,16% HS đỗ tốt nghiệp THPT, cao hơn mặt bằng chung hệ THPT của tỉnh 0,11%…
Cùng với những thành tựu nói trên, điều đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển của ngành GD&ĐT chính là sự tham mưu, đẩy mạnh công tác XHHGD, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư nâng cấp CSVC trường lớp, trang thiết bị dạy học, trao tặng nhiều học bổng, sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập giúp HS, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường. Nổi bật và gần đây nhất trong việc XHHGD có thể kể đến Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam) được Tập đoàn Trung Nam đầu tư trên 66 tỷ đồng xây dựng đầy đủ các hạng mục và trang thiết bị dạy học hiện đại theo hướng trường chuẩn quốc gia; ngoài CSVC, dịp khai giảng năm học 2019-2020, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam còn tặng 900 cặp sách và 20 suất học bổng trị giá 80 triệu đồng cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại xã Cà Ná. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tài trợ 5 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện Ninh Hải đối ứng 2 tỷ đồng xây dựng, đưa vào sử dụng công trình Trường Mẫu giáo Nhơn Hải trong năm học 2019-2020 với 7 phòng học theo tiêu chuẩn mới và 1 phòng làm việc của giáo viên. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư xây dựng hệ thống công trình giáo dục tại Trường PT DTBT Tiểu học Phước Thành B (Bác Ái) bao gồm 6 phòng học, 2 lầu, nhà hiệu bộ, nhà ăn, ở bán trú và khu vệ sinh cho HS với tổng kinh phí trên 10,4 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holding tài trợ 2,3 tỷ đồng xây dựng 3 phòng làm việc, 1 phòng chức năng, 1 phòng bếp khang trang, sạch sẽ cùng hệ thống tường rào, sân bê tông phục vụ nhu cầu học tập vui chơi của các cháu Trường MN Quán Thẻ (Thuận Nam)… Không chỉ góp phần xây dựng CSVC trường lớp, trao tặng học bổng, quà tặng cho HS nghèo, công tác XHHGD của tỉnh và ngành GD&ĐT những năm qua còn thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường lớp, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, trong đó nổi bật là cấp MN với 23 trường và 185 nhóm, lớp nuôi dạy trên 11.300 trẻ, chiếm 41,4% tổng số trẻ từ 0-5 tuổi ra lớp. Ngoài các trường MN, trên địa bàn tỉnh còn có 2 cơ sở giáo dục ngoài công lập là Hoa Sen và iSchool Ninh Thuận đảm nhận đào tạo HS từ cấp MN đến THPT. Sự ra đời của hệ thống các trường MN, phổ thông ngoài công lập là xu thế tất yếu, góp phần giảm tải áp lực cho các trường công lập, phát triển và nâng cao chất lượng GD&ĐT theo hướng hội nhập quốc tế…
Một mùa Xuân nữa lại đến, không khí Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang lan tỏa khắp muôn nơi. Tin rằng, với quyết tâm cao độ của CBGV, sự đồng hành của tỉnh, năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo, ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Lâm Anh