Sản xuất vụ đông - xuân 2019-2020 đang đối diện với khó khăn do thiếu nước. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, tính đến ngày 14-1, dung tích của 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 80,70 triệu m3 nước, đạt 41,5% tổng dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm ít nước 2014 là 27,39%, năm 2016 là 0,59%. Nguồn nước ở hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) cung cấp cho toàn bộ khu tưới hệ thống Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm cũng xuống thấp, dung tích trữ hơn 135 triệu m3, đạt 81,8% tổng dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 20,3%.
Trước tình hình thời tiết không thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã linh hoạt xây dựng phương án sản xuất vụ đông – xuân 2019-2020 thích ứng với biến đổi khí hậu, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất theo hướng giảm diện tích trồng lúa, mở rộng diện tích màu. Cụ thể, chỉ điều tiết nước của 12/21 hồ chứa (hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung, Lanh Ra, Nước Ngọt, Thành Sơn, Cho Mo, Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn, Bàu Ngứ, Núi Một và toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh Lâm Cấm) phục vụ sản xuất hơn 10.640 ha lúa, 8.414 ha màu và 85,78 ha thủy sản.
Hồ thủy lợi Sông Trâu (Thuận Bắc) góp phần điều tiết nước, nhằm bảo đảm nguồn nước tưới hợp lý cho bà con. Ảnh: Văn Thanh
Đồng chí Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết, để đảm bảo sản xuất có kết quả, công ty đã chủ động xây dựng phương án điều tiết nước cụ thể cho từng hệ thống thích ứng với tình hình khô hạn như hiện nay. Tuy nhiên trong những ngày qua, công tác điều tiết nước phục vụ xuống giống vụ đông - xuân gặp không ít khó khăn. Theo tính toán nhu cầu dùng nước ở hạ du công trình Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trên địa bàn tỉnh ta trong tháng 1 tối thiểu phải đạt 14m3/s, nhưng lưu lượng trung bình nhà máy phát điện chỉ có 11,17 m3/s, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 12,25 m3/s, khiến cho công tác điều tiết nước tại khu tưới các đập dâng gặp khó. Mặc dù công ty đã chủ động luân phiên điều tiết giữa các đập dâng, vận hành 2 cống xả cát tại đập Sông Pha, giảm độ mở của các cống lấy nước kênh Tây, kênh Đông, kênh Nam khi mực nước tại đập dâng Nha Trinh thấp hơn ngưỡng tràn để ưu tiên nước cấp cho kênh Bắc; đảm bảo duy trì mực nước tại para Thái Hòa tối thiểu 0,9m để ưu tiên cấp nước cho vùng 4 cuối kênh Bắc, nhưng hiện nay một số nơi như khu tưới kênh Lò Gạch, Tân Khẩu, Bi Sổ, Cây Dâu, Tà Cú vẫn không đủ nước xuống giống vụ đông - xuân.
Cũng theo đồng chí Phạm Ngọt, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất một phần do lưu lượng chạy máy phát điện Đa Nhim giảm thấp, một phần do ý thức của người dân thấp, tự đặt các máy bơm dọc theo kênh Bắc bơm nước vào ruộng sản xuất lúa ngoài kế hoạch. Vì nước từ đầu nguồn bị chặn lại, khiến cho tình trạng thiếu nước ở vùng cuối kênh ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, 80 ha lúa ở đồng Gò, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) vẫn chưa có nước xuống giống. Tình hình sản xuất ở khu tưới Trạm bơm Xóm Bằng với diện tích 32 ha cũng gặp khó khăn do người dân chặn dòng đầu nguồn kênh Bắc. Theo kế hoạch, vụ đông - xuân hồ Lanh Ra chỉ phục vụ tưới cho sản xuất cây màu, nhưng người dân tự ý lấy nước gieo 62 ha lúa, khi công ty khoanh vùng điều tiết nước thì xảy ra tình trạng người dân mở trộm cống lấy nước tưới. Để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình trình thủy lợi đã đề nghị cấp trên sớm làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du Ninh Thuận. Đối với các khu tưới tại những đập dâng ở sông Cái, thì tiến hành phân vùng xuống giống hợp lý, tránh trường hợp gieo sạ đồng loạt gây áp lực lớn về nguồn nước. Trong trường hợp không cân đối được nguồn nước, Công ty sẽ đề xuất ngưng sản xuất 80 ha lúa ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Phong (Thuận Bắc).
Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta luôn gặp khó khăn do thiếu nước tưới, không riêng gì vụ đông - xuân 2019-2020 mà các vụ ở những năm trước tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số vùng cuối kênh vẫn thường xuyên xảy ra. Đồng chí Phạm Ngọt, cho biết: Giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì sản xuất ở những vùng thiếu nước là vận hành điều tiết bổ sung nguồn nước từ hồ Sông Biêu, CK7, Suối Lớn bổ sung cho khu tưới của hồ Tân Giang; điều tiết nước từ hồ Cho Mo về bổ sung cho khu tưới hồ Phước Trung. Trong trường hợp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim phát thấp hơn so với nhu cầu thực tế, các hệ thống đập dâng không thể luân phiên cấp đủ nước, Công ty sẽ điều tiết nước bổ sung từ hồ Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo xuống sông cái Phan Rang. Ngoài ra, khi nước tại đập dâng Nha Trinh, đập dâng Lâm Cấm xuống thấp không đủ cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, Công ty sẽ điều tiết nước bổ sung từ kênh Nam và kênh Bắc về. Đối với hệ thống các kênh phân phối nước, Công ty phối hợp với các địa phương xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, tập trung vận hành điều tiết “Tưới luân phiên” đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nước.
Anh Tùng