Theo kênh RT, thiệt hại do biến đổi khí hậu tác động vào nền kinh tế toàn cầu xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, dễ thấy nhất là thiệt hại về vật chất. Thiệt hại vật chất từ các thảm họa thiên nhiên đang ngày một gia tăng. Theo báo cáo từ công ty bảo hiểm rủi ro Aon, năm 2017 và 2018 là hai năm chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất liên quan đến thiên tai.
Biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng chục nghìn tỷ USD. Ảnh: Reuters
Mối nguy hiểm ngày càng lớn hơn khi thiệt hại về vật chất bắt đầu khiến toàn bộ các loại tài sản được định giá lại. Một ví dụ điển hình là thị trường bất động sản xây dọc bờ biển - sẽ gánh chịu cả thiệt hại vật chất và việc bị định giá lại khi mối đe dọa ngày càng hiển nhiên. Thiệt hại sẽ xảy ra thông qua một loạt các tác động như người dân chuyển nhà, chính quyền ra chính sách hạn chế xây dựng, các công ty bảo hiểm rút hỗ trợ, các nhà đầu tư rút vốn…
Trong một báo cáo công bố vào tháng 11/2019 của Trung tâm Tiến trình Mỹ (CAP), nếu như mực nước biển tăng 182cm vào năm 2100, số nhà ở trị giá 900 tỷ USD ở Mỹ sẽ “chìm nghỉm dưới nước”.
Mối nguy thứ hai từ vấn nạn biến đổi khí hậu là hành động của các chính phủ. Rõ ràng, các quốc gia phải có chính sách đối phó với biến đổi khí hậu. Những chính sách này có thể làm thay đổi giá trị thị trường của một ngành. Báo cáo của tập đoàn đầu tư Principles for Responsible Investment (PRI) đưa ra bằng chứng các chính sách về khí hậu của các nước sẽ thổi bay 2.300 tỷ USD giá trị ra khỏi các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch (than, dầu hỏa…).
Các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng luôn đưa ra lý do rằng khi nào vẫn còn nhu cầu thì họ vẫn tiếp tục sản xuất để đáp ứng. Trong khi đó, các chính phủ lại được cho là đang tiếp tục với những cải cách ít ỏi. Với các quy tắc chủ yếu là theo dõi hoạt động kinh doanh, các nguồn đầu tư vẫn liên tiếp đổ vào nhiều lĩnh vực tác động tiêu cực tới khí hậu.
Tuy nhiên, nếu như tác động từ biến đổi khí hậu ngày một tồi tệ hơn thì các chính sách sẽ phải thắt chặt hơn. Các chuyên gia dự báo đến cuối thế kỷ này, Trái Đất sẽ ấm lên 3 độ C.
“Rất khó có khả năng các chính phủ đứng nhìn thế giới nóng lên 2,7 độ C mà không có hành động gì”, Keith Fiona Reynold, Giám đốc điều hành của PRI, phát biểu trong tháng trước. PRI dự đoán đến năm 2050, các chính sách đối phó với biến đổi khía hậu sẽ “quyết liệt và bất ngờ”.
PRI cho biết ngành khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch có thể đánh mất 1/3 giá trị hiện tại khi trữ lượng than, dầu và khí đốt trở thành “tài sản mất giá”. Theo nhà sử học Adam Tooze, khoảng 1.000 đến 4.000 tỷ USD tài sản năng lượng sẽ hóa thành tài sản mất giá và tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra với 20.000 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp nói chung.
Nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm và các thể chế tài chính khác cũng được cho là ở trong một thế khó cùng các doanh nghiệp sản xuất khí đốt, dầu mỏ. Một khi các tài sản bị hạ giá trị, thiệt hại về tài chính sẽ tăng lên nhiều lần. Khi đó, hàng nghìn tỷ USD giá trị sẽ không cánh mà bay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức