Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại LHQ, Phó Tổng Thư ký (TTK) LHQ phụ trách các hoạt động hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix đã đánh giá cao và kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình của LHQ.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Việt Nam đã là thành viên của LHQ 42 năm qua. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình của LHQ, nhất là từ khi Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình năm 2014?
Ngày 2/10/2018, 32 bác sĩ đầu tiên trong tổng số 63 cán bộ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tới thủ đô
Juba (Nam Sudan), bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở quốc gia Đông Phi này. Ảnh: TTXVN
Điều đầu tiên, tôi phải nói rằng Việt Nam là một nước rất tích cực ủng hộ LHQ, nhất là trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Suốt những năm qua, LHQ đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ mạnh mẽ của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình, mà điều này thể hiện rõ nhất ở 2 điểm:
Thứ nhất, Việt Nam tham gia tích cực và liên tục các sáng kiến liên quan tới gìn giữ hòa bình, luôn nỗ lực để hoạt động này ngày càng có tầm ảnh hưởng tốt hơn.
Thứ hai, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia trực tiếp hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa, nhất là ở các điểm nóng như Nam Sudan.
Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực này bởi chúng tôi thực sự cần sự hỗ trợ về quân đội của nhiều nước để triển khai hoạt động trên thực địa.
Một trong các ưu tiên của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA là tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ông có thể cho biết Việt Nam cần cải thiện những gì để có thể hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình một cách xuất sắc?
Tôi muốn nói rằng chúng ta không nên quên HĐBA là cơ quan của LHQ có chức năng chính là đảm bảo an ninh và hòa bình cho thế giới, nên vai trò của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA trong nhiệm kỳ tới là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, bởi Việt Nam sẽ tham gia đóng góp trực tiếp vào việc ra các quyết định, nghị quyết của HĐBA.
Chúng tôi muốn có được sự ủng hộ của HĐBA đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là các sáng kiến được khởi xướng từ tháng 3/2018, đưa nhiều vấn đề liên quan hoạt động gìn giữ hòa bình ra trước HĐBA để thảo luận thường xuyên. Đại diện phái bộ gìn giữ hòa bình ở các nước cũng phải báo cáo tình hình địa bàn của họ thường xuyên trước HĐBA....
Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào những quyết sách của HĐBA trong thời gian tới và cá nhân tôi chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một nước ủy viên năng động, hiệu quả trong tổ chức hết sức quan trọng này.
Trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình, theo ông, thách thức lớn nhất trong thời gian tới là gì?
Tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là phần lớn hoạt động gìn giữ hòa bình đều diễn ra ở những địa bàn rất khắc nghiệt và ngày càng nguy hiểm. Những chiến sĩ gìn giữ hòa bình của chúng tôi và cả đội ngũ cán bộ, nhân viên của LHQ đã trở thành mục tiêu tấn công của những lực lượng vũ trang cực đoan và các phần tử chống phá, cho nên chúng tôi phải đối phó với tình hình này và hiện chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ và cán bộ của LHQ.
Một vấn đề nữa là tuy hoạt động gìn giữ hòa bình chính là công cụ để hỗ trợ tiến tới các giải pháp chính trị, nhưng chỉ có hoạt động gìn giữ hòa bình không thôi thì không đủ và không thể đạt được mục đích. Chúng tôi cần có sự đồng tình, hỗ trợ của các phe tham chiến, và chúng tôi cần sự ủng hộ cũng như tham gia mạnh mẽ của HĐBA để thúc đẩy các giải pháp chính trị mau chóng trở thành hiện thực.
Năm nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ thường chia rẽ về nhiều vấn đề, kể cả trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Theo ông, một nước ủy viên không thường trực HĐBA như Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào để giải quyết các vấn đề hiện đang gây chia rẽ?
Tôi nghĩ rằng các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cho tới nay vẫn nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn khá lớn của HĐBA và trên thực tế các hoạt động gìn giữ hòa bình được tới 152 nước ký cam kết ủng hộ, trong đó có Việt Nam và 5 nước ủy viên thường trực HĐBA cũng ký.
Vai trò của các nước ủy viên không thường trực như Việt Nam là rất lớn vì đó chính là cầu nối để làm sao HĐBA tìm được tiếng nói chung đồng thuận và giúp giảm bớt sự chia rẽ tồn tại đã lâu ở tổ chức này. Nếu làm được như vậy thì thực sự các ủy viên không thường trực, đặc biệt là Việt Nam, sẽ đóng góp được rất nhiều.
Theo TTXVN/Báo Tin tức