Năm 2020 là năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà ông Trump đang tìm cách để tái đắc cử. Cùng với đó, nguy cơ leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hay kế hoạch rút quân khỏi Syria và Afghanistan cũng như các điểm nóng khác được cho là sẽ góp phần làm năm 2020 trở nên đặc biệt thử thách đối với nhà lãnh đạo Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở New York ngày 12/11/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Thử thách đầu tiên của Tổng thống Trump trong năm mới là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ gửi cho Mỹ một "món quà Giáng sinh" và cảnh báo Triều Tiên có thể theo đuổi một "con đường mới" nếu Mỹ không thay đổi quan điểm đàm phán vào cuối năm 2019. Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích khu vực dự đoán "món quà" này có thể là một vụ thử tên lửa tầm xa. Những tiến triển trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên từng được Tổng thống Trump coi là biểu hiện các nỗ lực ngoại giao của ông phát huy hiệu quả.
Dù Triều Tiên đã tiến hành hơn một chục vụ phóng tên lửa trong năm 2019, nhưng Tổng thống Trump dường như vẫn coi nhẹ những đe dọa gần đây của Bình Nhưỡng, với nhận định rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đang tìm cách gây áp lực với ông ở thời điểm ông đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên hiện thực hóa lời đe dọa bằng một vụ thử tên lửa tầm xa, Tổng thống Trump sẽ buộc phải lựa chọn giữa phương án "ngó lơ" để giữ căng thẳng ở mức thấp trong năm bầu cử, hoặc trở lại những ngày tháng đe dọa trừng phạt Bình Nhưỡng.
Các kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và Syria vẫn còn dang dở cũng sẽ là nút thắt quan trọng trong chính sách của ông Trump. Các kế hoạch rút quân vẫn đóng một vai trò nhất định trong chiến dịch vận động tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi cả hai quốc gia nói trên có thể khiến ông Trump phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ở cả trong và ngoài nước. Những nỗ lực trong thời gian qua của Tổng thống Trump nhằm rút binh sỹ Mỹ về nước đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như của một số người trong chính quyền của ông, cho rằng đó là hành động "hấp tấp", thiếu cân nhắc. Trong khi đó, không ít người cảnh báo việc Mỹ rút quân có thể sẽ tạo ra một khoảng trống để các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trỗi dậy.
Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thách thức đối với chính sách đối ngoại của chính quyền Washington trong năm 2020. Ông Trump hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd ở Syria sau khi ông ra lệnh rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Đến nay các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện ở khu vực Đông Bắc Syria với những cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn. Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất đưa người tị nạn Syria tới tái định cư tại "vùng an toàn" mà Ankara thiết lập nhưng bị các nước phương Tây phản đối. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thúc đẩy một dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và Chủ tịch ủy ban này, ông Jim Risch khẳng định sẽ thúc đẩy thông qua dự luật. Ankara đã đe dọa trả đũa nếu Quốc hội Mỹ cho thông qua các lệnh trừng phạt.
Năm 2019, Mỹ và Iran đã có lúc đứng bên miệng hố chiến tranh và tới nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia trong năm 2020 sẽ được xoa dịu. Căng thẳng leo thang trong năm 2019 khi Washington từng bước siết chặt các lệnh trừng phạt Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018. Iran đáp trả bằng cách từng bước thu hẹp những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân này và đe dọa tiếp tục làm như vậy cho tới khi Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt hoặc các đối tác châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra cách hiệu quả để tháo gỡ vấn đề. Trong bối cảnh Tổng thống Trump vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch "gây sức ép tối đa" để buộc Iran trở lại bàn đàm phán sửa đổi thỏa thuận hạt nhân trong khi Tehran không có dấu hiệu thỏa hiệp, nguy cơ thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ và khả năng hai bên đối đầu quân sự vẫn còn đó.
Theo TTXVN/Báo Tin tức