Chống biến đổi khí hậu: ‘Khẩn cấp’ nhưng chưa cần ‘khẩn trương’?

“Đã đến lúc hành động”, đó là câu khẩu hiệu mang tính khẩn cấp của Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25). Tuy nhiên, sau gần 2 tuần đàm phán, vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thống nhất để k

Các phái đoàn đến từ khắp thế giới đã tụ hội về Madrid để tham gia Hội nghị COP 25 và sau gần 2 tuần, họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về mức cắt giảm khí thải cho từng nước cần phải thực hiện vào cuối năm 2020.

Theo Reuters, dù được tổ chức ở Madrid nhưng quốc gia chủ trì Hội nghị lại là Chile, sau khi Tổng thống Chile Sebastian Pinera quyết định hủy kế hoạch đăng cai hồi tháng 11 với lý do không bảo đảm được an ninh cho các đoàn đại biểu vì tình hình biểu tình trong nước.

Lẽ ra quá trình đàm phán đã chấm dứt vào ngày 13/12, nhưng cuối cùng lại bị kéo dài muộn gần 2 ngày so với kế hoạch do các nền kinh tế lớn và nhỏ không giải quyết được những vấn đề tranh chấp theo Thỏa thuận chung Paris năm 2015.

Biểu tình bên ngoài nơi diễn ra Hội nghị COP25 ở Madrid - Ảnh: Reuters

“Trong 24 giờ qua, 90% số đại biểu không tham gia tiến trình đàm phán”, Reuters dẫn lời đặc phái viên Kevin Conrad của Papua New Guinea.

Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt thừa nhận: “Đây là Hội nghị khí hậu dài nhất trong lịch sử và tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã đặt trái tim và nỗ lực vào việc tìm kiếm thỏa thuận với tất cả các bên. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn vì những nỗ lực thời gian qua”.

Bốn năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris, các cuộc đàm phán ở Madrid được xem là thử thách đối với ý chí của các chính phủ nhằm thông qua một hành động tập thể. Giới khoa học trước đó cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ trái đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Những cam kết hồi COP21 chỉ là tìm cách giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3,2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ. Trong khi các nhà khoa học cho rằng phải hạn chế mức tăng chỉ 2°C, thậm chí là 1,5°C thì mới hiệu quả.

Thế nhưng, kết quả của COP25 lại vẫn chỉ là những cam kết, thậm chí chỉ có 80 quốc gia nhỏ (chiếm 10,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) hứa sẽ nâng thêm mức cam kết của mình. Lời kêu gọi của nhiều nước và Liên minh châu Âu thông qua những mục tiêu tham vọng hơn đã vấp phải sự phản đối của những nước gây ô nhiễm nhất, đặc biệt là Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia và Mỹ. Những nước này hầu như không đưa ra một cam kết nào.

Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.

Vì thế, hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố thừa nhận “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, khiêm tốn hơn rất nhiều so với những lời hứa cắt giảm khí nhà kính, cũng như mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm ngăn nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp.

Có lẽ điểm sáng duy nhất của COP25 là thỏa thuận xanh "Green Deal" của Liên minh châu Âu (EU) cho phép khối này thực hiện mục tiêu triệt tiêu khí thải carbon vào năm 2050.

Quyết định của EU nêu rõ một thành viên của khối (Ba Lan) ở thời điểm hiện tại chưa thể tham gia mục tiêu trên và EU sẽ thảo luận lại vấn đề này trong tháng 6/2020. Ngoài ra, thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU có nội dung cho phép một số quốc gia thành viên quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào danh mục các nguồn năng lượng cần thiết.

Bình luận về kết quả hội nghị, bà Helen Mountford, Phó Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới cho rằng, những cuộc thảo luận này về một mặt nào đó đã cho thấy “sự thờ ơ” của các nhà lãnh đạo chính trị trước lời kêu gọi “khẩn cấp” của giới khoa học, cũng như các nhà hoạt động môi trường trong suốt những tuần qua kêu gọi thế giới hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ sự thất vọng về kết quả của Hội nghị, coi đây là cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất: “Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

“Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ rằng COP là Hội nghị của tham vọng, nhưng chúng tôi chẳng được thấy tham vọng đó ở đây", Carlos Fuller, Trưởng đại diện đàm phán của nhóm 44 quốc gia đảo chịu ảnh hưởng từ tình trạng nước biển dâng nói.

Theo www.chinhphu.vn