- Phóng viên: Đồng chí có nhận xét gì về tình hình PCCCR hiện nay?
-Đ/c Nguyễn Hữu Hoán: Trước hết chúng tôi khẳng định từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta chưa ghi nhận có vụ cháy rừng nào xảy ra. Thông tin về 3 vụ cháy mới đây ở các xã Phước Đại, Phước Thắng thuộc huyện Bác Ái đã được phòng Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của chi cục KL tỉnh và Hạt KL huyện tiến hành kiểm tra xác minh. Thực ra đó chỉ là các vụ đốt rẫy của người dân địa phương, do gần bìa rừng nên có cháy lan một số thực bì chỉ vài trăm m2 không gây thiệt hại gì đáng kể, theo qui định của ngành với diện tích trên chưa được liệt vào dạng cháy rừng. Toàn ngành và các Ban chỉ huy, tổ đội PCCCR địa phương đều đang theo dõi sát sao diễn biến rừng mùa khô. Hàng ngày tại chi cục đều có chuyên viên cập nhật thông tin đám cháy từ mạng (truyền qua vệ tinh) của Cục KL, nếu phát hiện gì chúng tôi sẽ kiểm tra ngay. Ngoài ra, mỗi tuần một lần chúng tôi còn đối chiếu với thực tế báo cáo từ các nơi gửi về để xem thông tin trên mạng có chính xác không và chuẩn bị có phương án đối phó kịp thời.
- Phóng viên: Thưa đồngchí, khu vực nào trên địa bàn tỉnh ta là điểm dễ xảy ra nạn cháy rừng mùa khô và đâu là nguyên nhân chính?
-Đ/c Nguyễn Hữu Hoán: Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy các vụ cháy rừng thường xuất hiện ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước. Trong 4 mùa khô gần đây, thời tiết có nhiều thuận lợi, số vụ cháy rừng đã giảm đáng kể theo từng năm, tuy nhiên các vụ cháy thường xảy ra tại các khu rừng khộp, đặc biệt là ở hiện trạng khô nóng, nơi có các cây họ dầu tái sinh. Cụ thể những khu vực thường hay xảy ra cháy rừng là tiểu khu 83 (Phước Chính); tiểu khu 59, 70, 60a (Phước Đại); tiểu khu 58a (Phước Tân); tiểu khu 64,75 (Phước Tiến); tiểu khu 89 (Phước Trung) thuộc huyện Bác Ái và tiểu khu 106, 103 (Hòa Sơn); tiểu khu 62 (Lâm Sơn); tiểu khu 108, 109, 115, 117 (Ma Nới) thuộc huyện Ninh Sơn.
Về nguyên nhân, chỉ xác minh sơ bộ được rằng các vụ cháy phát sinh là do sự bất cẩn của người dân khi ra vào rừng đã gây cháy lan, không có vụ cháy nào do thiên tai gây ra. Hầu hết người dân địa phương sử dụng lửa trong rừng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, phát dọn đốt nương rẫy nhưng lại không dập tắt. Qua các vụ phát hiện trong thời gian qua, có thể xác định trọng điểm xảy ra phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng là khu vực Hầm 3, Cà Tọt, Hamasin, đồi 1.600 ở xã Lâm Sơn giáp ranh huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và khu vực các xã Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Hòa (Bác Ái).
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết trong phương án PCCCR mùa khô năm nay có gì mới so với trước?
-Đ/c Nguyễn Hữu Hoán: Trong phương án PCCCR cũng vẫn là các biện pháp hành chính, tuyên truyền giáo dục, lâm sinh, xây dựng bản đồ PCCCR, tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng. Cái mới trong công tác PCCCR mùa khô năm nay là ở biện pháp lâm sinh, bên cạnh việc tiến hành phát dọn, tạo các đường băng cản lửa để ngăn chặn cháy lan như mọi năm (thường trên 30 ha), còn có việc mở rộng dọn đốt thực bì. Khi cấp dự báo cháy rừng còn ở mức thấp, chủ rừng và các đơn vị, hộ nhận rừng khoán quản đã cho gom thực bì và đốt trước có điều khiển cho phù hợp để hạn chế lượng vật liệu cháy trong rừng. Nếu mùa khô năm trước diện tích dọn đốt thực bì có điều khiển chỉ có 2,5 ha thì năm nay con số ấy đã tăng lên đến 1.072 ha, có thể nói đây là lần đầu tiên việc dọn đốt thực bì được tập trung lớn như vậy. Một vấn đề mới nữa là quản lý việc dọn đốt rẫy, kinh nghiệm từ những năm trước, thay vì áp dụng xử phạt gây phản cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, năm nay các địa phương chủ yếu là tuyên truyền giáo dục, vận động người dân chỉ dọn đốt nương rẫy cũ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ QLBVR và cam kết không khai phá rẫy mới.
Xin cảm ơn đồng chí.
Bạch Thương (thực hiện)