Ngày 3/12, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu được ghi nhận đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010-2019. Theo cơ quan này, 40 năm qua luôn ghi nhận mức nhiệt trung bình của thập kỷ sau cao hơn thập kỷ trước. Kể từ đầu năm nay, nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến 2019 thành năm nóng thứ 3 từng được ghi chép lại trong lịch sử.
Khí thải nhà kính do con người tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp và vận tải hàng hóa là một trong những nguyên chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Ảnh minh họa
Đại dương, nơi hấp thụ 90% nhiệt lượng dư thừa do khí nhà kính tạo ra, đang không ngừng ấm lên và hiện có mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1950. Ước tính, 329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua, đẩy mực nước biển dâng cao chưa từng thấy.
Chưa dừng lại ở đó, nồng độ axit trong các đại dương cũng được ghi nhận cao hơn 25% so với 150 năm trước, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên Trái đất sống phụ thuộc vào. Đến cuối năm nay, số người phải sơ tán do thời tiết cực đoan trên thế giới có thể tăng lên 22 triệu người.
"Sóng nhiệt và lũ lụt đã xuất hiện thường xuyên hơn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trái đất sẽ ngừng nóng lên", Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. “Nếu không có hành động cụ thể, nhiệt độ toàn cầu có thể nóng hơn 3°C vào cuối thế kỷ 21”.
Lượng khí thải CO2 cao kỷ lục trong năm 2019
Theo một phân tích mới được công bố ngày 3/12, thay vì sự suy giảm được chờ đợi từ lâu, lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trong năm 2019, đạt mức cao kỷ lục. Tổng lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp là 36,8 tỷ tấn, tăng 0,6% so với năm 2018. Dự kiến, toàn thế giới sẽ thải ra 43 tỷ tấn khí CO2 từ tất cả các nguồn trong năm 2019, đạt mức cao kỷ lục.
Khí thải nhà kính trên toàn cầu đã tăng trong 3 năm liên tiếp, trong thời điểm mà đáng lẽ lượng khí thải phải giảm mạnh nếu thế giới muốn đáp ứng được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Vào tuần trước, báo cáo từ Chương trình Môi trường Mỹ cho biết lượng khí thải toàn cầu phải giảm 8% mỗi năm trong thập kỷ tới để phù hợp với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu.
Tốc độ cắt giảm lượng khí thải chậm với 3% mỗi năm sẽ khiến Trái đất nóng lên khoảng 2 độ C vào năm 2100.
Khí thải nhà kính tại Mỹ được dự đoán sẽ giảm 1,7% trong năm 2019 sau khi tăng 2 năm trước bởi nước này đã thay thế than bằng khí tự nhiên và năng lượng tái tạo. Việc đốt than ở Mỹ sẽ giảm 11% trong năm 2019. Lượng khí thải tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ giảm với tốc độ tương tự do các nước này đã hạn chế sử dụng than đốt.
Châu Âu hứng chịu các đợt nóng gia tăng hằng năm
Theo một nghiên cứu của Cơ quan Môi trường Liên minh châu Âu (EEA), châu lục này có nguy cơ hứng chịu các đợt nắng nóng nghiêm trọng hằng năm và sản lượng một số vụ mùa giảm một nửa trong tương lai nếu không gấp rút hành động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu, EEA dự báo rằng hiện tượng biến đổi khí hậu ngoài tầm kiểm soát sẽ gây ra những đợt nắng nóng dữ dội hằng năm ở châu Âu. Năm 2019, Pháp và Tây Ban Nha đã trải qua đợt nắng nóng với mức nhiệt cao kỷ lục. EEA cũng dự báo sản lượng nông nghiệp ở Nam Âu sẽ giảm một nửa trong những thập kỷ tới.
Ngoài ra, theo EEA, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái vốn đã mong manh và dễ bị tác động cũng như nguồn nước ngọt. Kể từ năm 1990 đến nay, 39% đàn bướm và 9% các loài chim phổ biến không còn xuất hiện trên bầu trời châu Âu, mà theo EEA gọi là "hệ đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng". Trong khi đó, chỉ còn 2/5 lượng nước ngọt ở các sông, hồ là chưa bị ô nhiễm hay khai thác quá mức.
EEA cảnh báo tình hình nhìn chung sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn nếu các nước không nhanh chóng hành động. Nghiên cứu cho thấy trong toàn bộ 35 chỉ số được EEA khảo sát, chỉ có 6 chỉ số có xu hướng cải thiện trong năm 2020.
Ông Hans Bruyninckx, Giám đốc điều hành EEA kêu gọi các nước EU cần sớm thực hiện "những giải pháp căn bản" nhằm đảo ngược chiều hướng này trong thập kỷ tới.
Báo cáo dài 500 trang của EEA được công bố trong bối cảnh tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã cam kết nỗ lực đưa EU trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới có khí hậu ổn định vào năm 2050. Bà cũng cam kết hạn chế những thiệt hại về đa dạng sinh học trong 5 năm tại nhiệm của mình.
Theo www.chinhphu.vn