“Tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”
Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều...” (1). Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia" (2).
Tại thời điểm đó, Bác đã tính “miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta” (3).
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội, mùa xuân 1969. Ảnh tư liệu
Bên cạnh lợi ích kinh tế, Bác khẳng định phong trào Tết trồng cây cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng. Bác chỉ rõ nếu phong trào trồng cây phát triển mạnh, đất nước ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng tươi tốt, mà rừng chính là thành lũy vững chắc của thế trận quốc phòng. Thực tế trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cho thấy, những hàng cây xanh tươi dọc theo các con đường quốc lộ, tỉnh lộ, các bờ kênh, bờ mương… là những tấm lưới ngụy trang khổng lồ, giúp cho bộ đội phòng không của ta cơ động tiêu diệt máy bay Mỹ.
Đặc biệt, Bác sớm thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây gây rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Vì vậy, Bác động viên nhân dân cả nước ra sức trồng cây để: “Chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay…” và khẳng định: “Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn” (4).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào sâu rộng. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển để bảo vệ đê. Phong trào dần dần lan toả rộng khắp ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An....
Không chỉ nhắc nhở nhân dân, tự tay Bác cũng đã trồng nhiều cây tại Phủ Chủ tịch, ở những địa phương, những nước mà Bác đến thăm.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta: “nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm... Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (5).
“Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
60 năm qua, kể từ ngày Bác phát động phong trào, “Tết trồng cây” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta đã có các phong trào “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay chúng ta có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”...
Từ lời dạy của Bác, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ rừng và trồng rừng. Vấn đề bảo vệ rừng, gây trồng rừng không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là để bảo vệ và cải tạo môi trường sống của loài người.
Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ, cần phải "tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng" và "coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập"; đồng thời đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, các địa phương trong cả nước đã trồng được trên 230.000 ha rừng tập trung và 63 triệu cây phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 20 triệu mét khối gỗ/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41%.
Không chỉ góp phần cải thiện môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, việc trồng cây, gây rừng còn thúc đẩy ngành kinh tế lâm nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế-xã hội.
Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia-dân tộc. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía hơn những lời chỉ dẫn của Bác, càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành. Đây chính là một trong những hành động thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trải qua 60 mùa xuân, phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động được nhân dân trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng rất tích cực. Những hàng cây xanh trù phú dọc chiều dài đất nước, từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc, được nhân dân các thế hệ nối tiếp nhau trồng đã thực sự điểm tô cho giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày càng tươi đẹp.
Theo TTXVN
---------------------
(1), (2), (3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 558, 559
(4): Sđd, t.12, tr.440
(5): Sđd, t.12, tr.491