Tạo hành lang pháp lý thực chất cho thanh niên phát triển
Thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ sự tán thành với những vấn đề chung của dự thảo Luật, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật ở nhiều điểm còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và liệt kê các chính sách theo từng lĩnh vực, do đó dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn. “vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành”.
Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi của các chính sách, đồng thời quy định đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng, tổ chức thực thi chính sách cho thanh niên.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Mai Thị Kim Nhung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tham gia cho ý kiến vào các điều luật cụ thể, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) cho rằng, “cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35”. Theo Luật hiện hành, Điều 1 về độ tuổi của thanh niên quy định độ tuổi của thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Một trong những lý do được đại biểu Nhung đưa ra là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng, sức khỏe, thể chất đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước. Bên cạnh đó, tăng tuổi thanh niên sẽ tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc; tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại biểu Nhung cho biết: Qua thống kê 196 quốc gia trên thế giới, có 95 quốc gia quy định độ tuổi thanh niên trên 30 tuổi, chiếm trên 48%, trong đó quy định từ 35 - 40 tuổi là 45 quốc gia, chiếm gần 23%. Theo đại biểu Mai Thị Kim Nhung, đây cũng là một kênh để Việt Nam tham khảo khi xây dựng độ tuổi tối đa của Luật Thanh niên.
Từ thực tiễn của bản thân đang là cán bộ công tác tại cơ quan Đoàn Thanh niên, đại biểu Mai Thị Kim Nhung khẳng định: “nếu quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 tuổi thì các cơ sở đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, rất khó hoạt động, bởi xu thế hiện nay sinh viên ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh tế ngoài Nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”.
Về quan điểm tiếp cận sửa đổi luật, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) bày tỏ đồng tình với mục đích khi sửa đổi luật là nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ thanh niên; chính sách nhà nước đối với thanh niên, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình với quan điểm “coi thanh niên như đối tượng cần được ưu tiên khác với các công dân khác”.
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, thanh niên là lực lượng chiếm ưu thế trong xã hội và là nhóm đang có thế mạnh, không phải nhóm yếu thế. “Đừng để bản thân thanh niên thấy mất nhuệ khí trong chính luật quy định về mình, đừng coi họ là đối tượng cần giúp đỡ mà hãy tạo cơ hội để họ được cống hiến”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời nêu dẫn chứng: "Dự thảo với 62 điều, có tới 21 điều liên tục nhắc tới cụm từ “bảo đảm”, “tạo điều kiện”, “hỗ trợ”. Chương 2 có 9 mục, trong đó có tới 8/9 mục có chính sách mà Nhà nước phải đứng ra để bảo đảm”.
Đại biểu tỉnh Nam Định băn khoăn, việc thể hiện chính sách mang tính khẩu hiệu như thế có nên hay không, khi thanh niên là công dân Việt Nam từ 16 - 30, đó là độ tuổi đang khỏe mạnh, năng động và sáng tạo nhất. “Thanh niên luôn sẵn sàng cống hiến vô điều kiện cho đất nước, chứ không phải là chờ Nhà nước ưu tiên, khuyến khích, họ mới làm”, bà Thảo nêu quan điểm.
Từ những lý do đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, quá trình xây dựng chính sách cần chú trọng nguyên tắc sát với đối tượng thụ hưởng. “Chính sách không phải quy định chỉ để đấy mà chính sách phải tạo hành lang pháp lý thực chất cho thanh niên phát triển”, bà Thảo nói.
Tạo điều kiện phát huy tiềm năng, vai trò của thanh niên
Khẳng định tiềm năng, vai trò to lớn, là trụ cột nước nhà của lực lượng thanh niên, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, vai trò này cần được tạo điều kiện để phát huy tối đa thế mạnh. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu nêu ý kiến: “Luật này, chỉ nên tập trung 4 lĩnh vực đặc thù, đó là thanh niên học tập, phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, như thế là chúng ta làm đúng theo di chúc của Bác Hồ là bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, đây là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Vũ Trọng Kim. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, các chính sách hướng đến thanh niên cần hết sức cụ thể và mang tính định hướng cao, “không thể nói suông và hứa hẹn”, qua đó bồi dưỡng, đào tạo, phát huy tiềm năng của thanh niên; thúc đẩy thanh niên tiến lên phía trước, hình thành lớp thanh niên tinh hoa, dẫn đầu các phong trào.
Qua gần 15 năm thực hiện, đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) đánh giá, đã đến lúc Luật Thanh niên cần được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình, định hướng phát triển của thanh niên và đất nước, để thanh niên - lực lượng chiếm 23,5% dân số Việt Nam tiếp tục có những đóng góp mới cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, khẳng định tầm nhìn chiến lược như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: Công tác thanh niên là công tác mang tính chiến lược, có ý nghĩa sống còn của dân tộc; là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Với tinh thần đó, đại biểu Lê Quốc Phong tán thành việc sửa đổi Luật Thanh niên trên cơ sở hình thành các chính sách mới, thúc đẩy trách nhiệm và sự tham gia của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đại biểu Lê Quốc Phong, các nhóm chính sách mới cần phù hợp với chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu, Bộ chỉ số phát triển thanh niên ASEAN, các thành tựu và mục tiêu phát triển chiến lược thanh niên quốc gia, để Luật Thanh niên vừa là một đạo luật độc lập, quy định những vấn đề cần thiết, có tính đòn bẩy, sức bật, khơi dậy, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ thanh niên phát triển, trở thành lực lượng có phẩm chất và năng lực tốt, lại không trùng lắp với quy định trong các luật khác.
Tham gia thêm một số ý kiến về những chính sách đã được nêu trong dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Bình Thuận cho rằng, Điều 17, chương II dự thảo Luật có nêu một số ý về chính sách thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, tuy nhiên theo đại biểu là “còn quá chung”. Do đó, đại biểu Lê Quốc Phong đề nghị cần nghiên cứu có thêm các chính sách mới như ưu đãi về thuế, giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho thanh niên tham gia khởi nghiệp; thúc đẩy các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đại biểu Lê Quốc Phong khẳng định, Chính phủ cũng đã có một số quy định về thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên đó là quy định chung cho các nhóm đối tượng trong xã hội. “Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo cần chú trọng cổ vũ thanh niên tham gia. Do đó, quy định, chính sách mới tốt hơn trong Luật sửa đổi cho thanh niên tham gia khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết”, đại biểu Phong nhấn mạnh.
Đối với chính sách hỗ trợ khuyến khích thanh niên học nghề, đại biểu Lê Quốc Phong cho rằng, nội dung này đã được quy định bởi một số luật liên quan, tuy nhiên chủ trương hướng nghiệp hiện nay vẫn không đem lại hiệu quả thực sự bền vững. Đại biểu đề nghị cần có chính sách mới giúp thanh niên quan tâm hơn đến việc lựa chọn học nghề, đặc biệt là những nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, có định hướng phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất nên có quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp khi tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ.
Điều 38, chương II dự thảo Luật cũng đề cập đến các căn cứ để xét thanh niên tài năng. Theo đại biểu Lê Quốc Phong, cần cụ thể hơn các chính sách để đủ sức thu hút thanh niên tài năng tham gia vào các lĩnh vực xã hội hoặc có đủ điều kiện để tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển tài năng, qua đó hình thành các nhóm dẫn dắt, đóng góp lớn hơn cho đất nước. Khái niệm thanh niên tài năng cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để rõ ràng, sát thực tế hơn, từ đó có căn cứ xác định đúng tài năng trẻ.
Bên cạnh đó, một số chính sách trong các Nghị định của Chính phủ như việc thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, vận động viên có thành tích cao, nhà khoa học trẻ xuất sắc, thanh niên tài năng ở nước ngoài... cần được rà soát, đánh giá đưa vào Luật sửa đổi. “Với tài năng trẻ, môi trường tốt, đãi ngộ hợp lý sẽ thúc đẩy tài năng phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước...”, đại biểu Lê Quốc Phong khẳng định.
Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) mang tính khả thi cao
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tham gia giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua thảo luận tại tổ vào chiều 15/11, các đại biểu đã đóng góp 75 ý kiến phong phú, đa dạng vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, tuổi thanh niên, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan trình bày tỏ sự cảm ơn và khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) có tính khả thi cao để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, năm 2020.
Làm rõ thêm vấn đề nhiều đại biểu quan tâm về độ tuổi thanh niên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này như cho rằng độ tuổi thanh niên nên bắt đầu từ 16 - 35 tuổi, hoặc từ 15 - 35, 18 - 30 tuổi...; lại có ý kiến đề xuất nên chia thành 4 nhóm tuổi... Ông Lê Vĩnh Tân khẳng định, Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên là từ 16 - 30 tuổi, “ Quá trình tổ chức thực hiện Luật này đến nay chưa thấy phát sinh những vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi”.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để phát triển nguồn nhân lực chuyển tiếp từ trẻ em sang tuổi trưởng thành, cần tập trung vào các chính sách đầu tư, phát triển toàn diện, nhất là khi độ tuổi này có những giai đoạn đặc thù về phát triển tâm sinh lý. Dù quy định độ tuổi là bao nhiêu, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, điều quan trọng là cần đảm bảo tốt chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên.
Về vấn đề quản lý nhà nước về thanh niên, có ý kiến của đại biểu thống nhất với trong tờ trình của Chính phủ là giao cho Bộ Nội vụ như hiện nay. Song cũng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như Luật năm 2005 là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, đồng thời yêu cầu dự thảo Luật cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban Quốc gia về thanh niên. Một số ý kiến kiến nghị giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho những bộ có chức năng quản lý nhà nước gần gũi với thanh niên như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội... Với những vấn đề còn nhiều đề xuất với luồng quan điểm khác nhau, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.
Theo TTXVN/Báo Tin tức