Theo đó, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của các mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh, năm 2019, UBND tỉnh thống nhất chọn Chợ trung tâm huyện Thuận Bắc, quy mô chợ hạng II, thuộc xã lợi Hải (Thuận Bắc) để thực hiện nhân rộng Mô hình chợ ATTP. Tổng kinh phí triển khai Mô hình là 471,360 triệu đồng, với 72 điểm kinh doanh được lựa chọn, gồm các quầy hàng kinh doanh thịt heo, thịt bò (12 quầy); ăn uống chín (12 quầy); rau, củ, quả (24 quầy) và cá (24 quầy).
Trong quá trình triển khai sẽ tập trung đầu tư xây dựng, hỗ trợ cải tạo quầy bán hàng, mặt bàn làm bằng chất liệu không gỉ, hợp vệ sinh, không có chất độc hại; lắp đặt bảng tuyên truyền về vệ sinh ATTP tại chợ; hỗ trợ biển hiệu ghi tên người bán, số điện thoại của hộ kinh doanh; sổ ghi chép phục vụ truy xuất nguồn gốc hàng hóa; trang bị thùng rác thải thực phẩm có nắp đậy, xô, chậu... hợp vệ sinh; hỗ trợ trang bị tạp dề cho hộ kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho đối tượng là các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ, cán bộ quản lý chợ và cán bộ, công chức làm công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hỗ trợ rà soát nguồn hàng, sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh theo quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP, phù hợp để cung ứng, tiêu thụ tại chợ; đồng thời, rà soát nguồn cung đảm bảo chất lượng, ATTP tại các tỉnh bạn để giới thiệu, kết nối tiêu thụ tại chợ...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Thuận Bắc chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch đảm bảo hiệu quả; vận động, khuyến khích đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ, thương nhân kinh doanh, các tổ chức, cá nhân có liên quan ủng hộ, đồng thuận và tích cực phối hợp triển khai thực hiện nhân rộng Mô hình.
B.H