Thủ tướng: Đừng đào tạo thứ người ta không cần

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sáng 16/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐTB&XH suy nghĩ thiết kế và đề xuất một “hiệp ước xã hội”…

Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đều khẳng định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, về đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.

Có ý kiến cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là con đường gia nhập thị trường lao động nhanh nhất, có việc làm tốt và thu nhập ổn định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tăng lên đáng kể, bởi 3 lý do: Tiếp nhận tầm nhìn, công nghệ quốc tế; đẩy mạnh tự chủ và gắn kết doanh nghiệp với nhà trường. “Học nghề ra có việc làm tốt là tự nhiên nhiều người sẽ học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và khẳng định cần có sự chung sức giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề này.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần coi doanh nghiệp là động lực chính phát triển đào tạo nghề, coi trọng cả 3 không gian đào tạo là xưởng, trường và không gian mạng. Doanh nghiệp cần 5 đồng hành với các trường: Tham gia đầu tư, mở trường; đặt hàng; tham gia giảng dạy, đào tạo; thẩm định đầu ra; tuyển dụng.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cho rằng sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là thực sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp.

Thiếu thầy, thiếu cả thợ

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng nhìn nhận các đại biểu đã đóng góp những ý kiến, kinh nghiệm tốt, có giá trị cho sự phát triển nguồn nhân lực ở nước ta.

“Tôi đã nêu trước Quốc hội rằng nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam”, Thủ tướng nói. Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thực tiễn rằng kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế. Vì lẽ đó, nâng cao năng suất chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng và trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Chúng tôi đã khẳng định giáo dục nghề nghiệp vẫn giao cho ngành LĐTB&XH tiếp tục quản lý. Vấn đề này gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng việc này giao cho Bộ LĐTB&XH là đúng và cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp”, Thủ tướng nói. Chúng ta đã xác định được đến 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt là 3 năm gần đây thì tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng.

Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, có thể nêu ra rất nhiều tấm gương tốt về đào tạo trong doanh nghiệp, trường bên cạnh doanh nghiệp như THACO Chu Lai, Viettel, Vingroup, Vietjet… và trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có nhiều doanh nghiệp có trường dạy nghề tốt như Samsung, có thể đào tạo đến vài trăm nghìn lao động.

Nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp, Thủ tướng dẫn câu nói của GS. Robert Kaplan (Đại học Harvard) rằng “quốc gia là con thuyền, doanh nghiệp là những tay chèo”, nếu tay chèo yếu thì con thuyền không vượt lên được.

Theo www.chinhphu.vn