Tham dự có các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Thực hiện chủ trương “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tại của cả nước” được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31-8-2018, đến nay Ninh Thuận đã vượt lên dẫn đầu về cả nước với 18 dự án hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành với tổng công suất 1.180 MW. Trong đó, có 15 dự án điện mặt trời, công suất 1.063 MW; 3 dự án điện gió, công suất 117 MW.
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội thảo.
Dự kiến đến cuối năm 2019, tiếp tục có 4 dự án điện mặt trời, công suất 140 MW và năm 2020 có 12 dự án, công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại, góp phần cung cấp, bổ sung thêm nguồn điện cho quốc gia; giúp tỉnh tăng thu ngân sách, phát triển du lịch, tạo đột phá để tăng trưởng kinh tế bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, với tiềm năng, lợi thế đang có, Ninh Thuận hội đủ điều kiện để phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tuy nhiên, hiện Ninh Thuận đang gặp khó khăn, thách thức bởi một số chỉ tiêu như: Hệ thống truyền tải không đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất, chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn hạn chế… Bên cạnh phân tích, đánh giá những khó khăn, thách thức, dự báo tầm nhìn dài hạn, các chuyên gia, nhà khoa học còn chia sẻ, giới giới thiệu một số mô hình phát triển và thể chế chính sách để thúc đẩy phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời tại một số quốc gia như: Úc, Italia, Hawaii…, để địa phương có thể áp dụng. Đồng thời, đề xuất quy trình xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tại tái tạo của Việt Nam theo 5 bước: Thứ nhất phải xác định tầm nhìn chiến lược và tổ chức; thứ hai phải xác định các khu vực có tiềm năng và kỹ thuật; thứ ba đánh giá tiềm năng kinh tế/lợi ích thương mại; thứ tư xây dựng các phương án truyền tải và cuối cùng là phải xác định điểm đấu nối, trách nhiệm và các cam kết đều tư nâng cấp lưới truyền tải, lưới phân phối.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm cũng như các ý kiến góp ý thiết thực của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu các nội dung, vấn đề được trình bày, góp ý tại hội thảo để tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển thành các giải pháp đồng bộ, tạo nền tảng từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Để đạt được điều đó, Ninh Thuận rất cần sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành, tạo điều kiện giúp Ninh Thuận tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, nhằm mục đích khai thác tối đa tiềm năng và giải tỏa hết công suất của các dự án điện gió, điện mặt trời.
------------------------------------
|
Bà Eleonora Riva Sanseverino, Khoa kỹ thuật, Đại học Palermo, Italia: Theo dự báo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), hiện nay việc tiêu thụ năng lượng đang gia tăng, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ cung ứng khoảng 45% tổng nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới. Do đó, Ninh Thuận muốn thành công trong việc trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam thì trước hết phải tập trung thực hiện tốt các thể chế chính sách, cũng như việc phân tích, lựa chọn các khu vực có thể xây dựng hệ thống nhà máy điện gió, điện mặt trời; đầu tư xây dựng các hệ thống lưới điện truyền tải 220kv, 500kv. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng tới việc thực hiện các dự án nghiên cứu thí điểm, đặt ra các mục tiêu rõ ràng về phát thải CO2 ở cấp khu vực có thể khuyến khích cải thiện hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện và thúc đẩy việc lắp đặt phát triển nguồn năng lượng tái tạo (RES). Về lâu dài, cần cải thiện số hóa các dịch vụ năng lượng; đầu tư xây dựng các hệ thống lưu trữ nguồn điện năng đủ lớn, có khả năng phản ứng nhanh trong trường hợp điện năng từ các nguồn tái tạo bị suy giảm bất ngờ. Mô hình này đã được thực hiện tại Italia rất thành công, vì thế đây là gợi ý có thể áp dụng để Ninh Thuận triển khai, nhằm hạn chế gây ra các sự cố kỹ thuật liên quan.
|
Ông Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện khoa học năng lượng: Với tiềm năng riêng có của mình, Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Minh chứng cụ thể là hiện nay tổng công suất các nguồn điện mà Ninh Thuận đã được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 khoảng 4.040 MW. Nếu tính cả các dự án điện gió và điện mặt trời đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 5.800 MW. Chỉ trong hơn một năm qua, Ninh Thuận đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, với 18 dự án đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành, tổng công suất 1.180 MW; qua đó, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay Ninh Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có việc giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới yêu cầu đặt ra đối với Ninh Thuận là tiếp tục tranh thủ thời cơ; tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; xác định rõ lộ trình để huy động nguồn lực; kiểm soát đầu tư theo quy hoạch, tránh tình trạng phát triển dự án phong trào, tự phát, gây ảnh hưởng cho quá trình phát triển.
|
Ông Đỗ Đức Quân, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương): Điểm thuận lợi đối với Ninh Thuận là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế, xã hội tỉnh giai đoạn 2018-2023, trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương theo chủ trương của Chính phủ, Ninh Thuận đã tuyển chọn đơn vị tư vấn lập Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”. Theo đó, Ninh Thuận muốn triển khai thành công Đề án này, điều quan trọng là cần có các khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo. Mặt khác, địa phương cần quan tâm nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân và các bên liên quan, nhằm đảm bảo sự đồng thuận. Trong dài hạn, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế; xem xét lắp đặt pin lưu trữ điện năng với khối lượng lớn, bởi tích trữ điện năng là chìa khóa để cân bằng điện gió, đặc biệt là điện mặt trời.
Văn Thanh