Theo số liệu thống kê thí sinh dự thi các khối Đại học, Cao đẳng năm 2010, khối C (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lý) là khối có thí sinh đăng ký dự thi thấp nhất (chỉ chiếm 8,5%) trong các khối A, B, C, D. Điều này phần nào cho thấy sự thiếu “mặn mà” của học sinh hiện nay đối với những môn xã hội nói chung và lịch sử nói riêng.
“Lịch sử là môn khó học, khó tiếp thu và nhàm chán!”- Đó là nhận xét của phần lớn học sinh THPT khi được hỏi. Kết quả, nhiều bài thi môn lịch sử trong các kỳ thi Tốt nghiệp và Đại học những năm gần đây báo chí đưa tin cũng cho thấy việc hỏng kiến thức lịch sử trầm trọng của học sinh. Quan niệm chung của nhiều người, thì Lịch sử là môn học yêu cầu thuộc lòng, đòi hỏi trí nhớ và sự chăm chỉ… vì vậy mà học sinh ngại học. Tuy nhiên, Lịch sử lại là môn học có nhiệm vụ quan trọng trong việc đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ; nắm rõ lịch sử giúp con người có bản sắc dân tộc, am tường nguồn cội như Bác Hồ đã dạy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Bên cạnh phần đông học sinh coi Lịch sử là môn học phụ, lại mất thời gian thì cũng còn không ít thầy, cô giáo và học sinh tâm huyết, mặn mà với nó. Yêu thích môn lịch sử không chỉ là yêu thích một môn học mà còn là yêu dân tộc, yêu lịch sử quê hương, đất nước, là biết tự hào về truyền thống ông cha. “Sử không phải là một môn học rập khuôn, máy móc mà đòi hỏi phải có hệ thống tư duy và cả sự linh động sáng tạo, biết vận dụng bài học”. Đó là lời nhận xét của em Triệu Mỹ Ngọc, học sinh 12 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, người vừa đoạt giải khuyến khích môn Lịch sử trong Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia vừa qua. Khi nhắc đến môn lịch sử, Ngọc tỏ ra rất hứng thú. Em cho biết, đây là môn học em rất thích, rất đam mê nhưng cũng phải dành ít thời gian để học nhất. Nói như vậy bởi Mỹ Ngọc có những phương pháp học sử rất sáng tạo và hiệu quả: “Em không ôm cả cuốn sách để học thuộc mà rèn cho mình thói quen nhớ có hệ thống những kiến thức căn bản trước. Ví như: các số liệu, ngày, tháng…Từ những con số đó em suy ra sự kiện, ý nghĩa, phân tích sự kiện…Sau đó, lại làm ngược lại. Em cũng xem nhiều phim lịch sử, đọc truyện lịch sử và tham khảo sách. Học sử không chỉ là học những gì đã có, mà quan trọng hơn là phải nắm chắc những cái đã có trong lịch sử để liên tưởng, phân tích những sự kiện ở hiện tại và tương lai.”
Coi sử là một môn học quan trọng và tự tạo ra sự hứng thú qua những phương pháp học. Đây cũng là cách mà em Mai Ngân, một học sinh giỏi sử của Trường THPT Chu Văn An áp dụng. Ngân cho rằng, Sử không phải là môn học khó nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì, tác động lâu dài thì mới hiểu và thích. Ngân coi mỗi bài học lịch sử như một câu chuyện. Không ngồi học thuộc lòng từng câu mà đọc, nắm những sự kiện chính và từ đó kể lại như kể một câu chuyện cho người khác nghe. “Lịch sử Việt Nam cũng hào hùng, oanh liệt không khác gì những bộ phim chiến tranh của Trung Quốc. Em luôn nhìn nhận những sự kiện lịch sử của nước ta ở tư thế của một người yêu nước, tự hào về lịch sử đất nước và em bị thu hút vào những sự kiện đó”.
Bên cạnh niềm yêu thích và những phương pháp tự học, một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến môn Lịch sử của học sinh đó chính là phương pháp truyền đạt của giáo viên. Để có những học sinh giỏi và đam mê môn Lịch sử thì cũng phải có những thầy giáo, cô giáo giỏi và tâm huyết. Em Mỹ Ngọc chỉ bắt đầu bị cuốn hút bởi môn Sử từ năm lớp 11, khi em được học với một cô giáo dạy Sử có nhiều phương pháp thu hút học sinh. “Em thấy yêu những bài học của cô và bị thu hút bởi những sự kiện cô kể, những hình ảnh lịch sử cô đưa ra minh họa…”. Ngoài ra, cô giáo của Mỹ Ngọc còn có những bài tập thực tế, tổ chức cho học sinh thực hiện theo nhóm. Giữa các nhóm thi đua nhau, tìm hiểu vấn đề hoặc sự kiện lịch sử. Điều này thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá, và từ những kiến thức tự tìm kiếm, học sinh vừa trân trọng công sức mình bỏ ra, vừa hiểu và yêu hơn lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, được đi tham quan các di tích lịch sử, được xem phim và sinh hoạt ngoại khóa nhiều hơn về đề tài lịch sử…là ý kiến và cũng là mong muốn mà của học sinh để học Lịch Sử được tốt hơn. Bởi Lịch sử không chỉ là một môn học, đó còn là niềm tự hào của một đất nước, một quê hương và của mỗi con người.
Bích Thủy