Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba, chiều 7/11/2019. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Buổi sáng từ 8h00 đến 10h45, Quốc hội tiếp tục dành thời gian để chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Trong quá trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương từ chiều ngày 6/11 đến cuối giờ sáng nay đã có 45 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu Quốc hội tranh luận.
Các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và đánh giá cao kết quả tích cực của ngành công thương, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng. Tuy nhiên, công thương là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân, so với yêu cầu thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Do vậy, các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế, đề xuất những giải pháp khả thi, mang tính đột phá trong lĩnh vực công thương đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tiếp nối không khí của phiên chất vấn trước, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi; các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm. Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành; đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để có những chuyển biến tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công thương, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến các nội dung đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau:
- Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp các trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.
- Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn để đảm bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.
- Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan; đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu; nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại, nhập siêu; tăng cường xây dựng thương hiệu Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; triển khai các quy định về phòng vệ thương mại, nhất là hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; hoàn thiện môi trường kinh doanh, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
- Rà soát hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát, xây dựng đầy đủ quy định pháp luật về quy tắc xuất xứ phù hợp với thông lệ quốc tế; khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3; chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền Quốc gia.
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số; năm 2020, ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam; có giải pháp để quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; giám sát việc quảng cáo, chất lượng hàng hóa trên mạng.
- Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; nâng cao khả năng của các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.
Ngay sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ. Theo chương trình nghị sự, thời gian trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân kéo dài từ 10h45 đến 11h30 và cả buổi chiều cùng ngày.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục dành thời gian để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Trong quá trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã có 40 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 16 đại biểu Quốc hội tranh luận. Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nội vụ, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tạo ra những chuyển biến trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Trong lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ hôm nay là những vấn đề luôn mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vướng mắc, được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ; công chức, viên chức; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, liên quan đến công tác quản lý, điều hành của từng ngành, từng địa phương và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác cán bộ. Trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nội vụ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau:
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, ngày 7/11/2019. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
- Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã bảo đảm chặt chẽ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm tổng kết mô hình thí điểm việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông hoặc tương đồng do địa phương đăng ký hoặc theo nghị quyết của Quốc hội và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu đề ra; xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương và Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đến năm 2021; rà soát lại việc tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, sửa đổi, bổ sung định mức học sinh, giáo viên/lớp; định mức nhân viên y tế/giường bệnh cho phù hợp theo từng vùng, giữa nông thôn với đô thị, giữa miền núi với đồng bằng bảo đảm mục tiêu “người học phải có giáo viên, người bệnh phải có bác sỹ”. Năm 2019 cố gắng xử lý dứt điểm bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế; năm 2020 ban hành Nghị quyết về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục và y tế.
- Tích cực đôn đốc, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong năm 2019 bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; gắn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Có phương án, lộ trình bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho các cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách, khuyến khích tăng cường thực hiện chế độ kiêm nhiệm.
- Tiếp tục rà soát, thường xuyên theo dõi, đánh giá công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; xây dựng quy định mới về tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức lãnh đạo, quản lý, quy định về chế độ, chính sách, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ là người dân tộc để triển khai thực hiện các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngay sau khi Luật có hiệu lực; nghiên cứu việc tổ chức thi, xét nâng ngạch bảo đảm phù hợp với đề án tiền lương, đáp ứng yêu cầu thực tế; rà soát lại các điều kiện về tin học, ngoại ngữ trong thi nâng ngạch, bổ nhiệm; tổng kết, hoàn thiện các quy định và triển khai xây dựng vị trí việc làm khoa học, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, tinh giản biên chế; rà soát, ban hành quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với từng chức danh, chức vụ bảo đảm thiết thực, tránh trùng lặp về nội dung, lãng phí về nguồn lực; năm 2019, sơ kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng để có chủ trương chung về chính sách này; tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định để xử lý vấn đề “hàm” trong bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong công tác cán bộ.
- Làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, sửa đổi các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ cụ thể, khoa học trên cơ sở kết quả việc làm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, bảo đảm kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, sát với thực tế; tăng cường công tác thanh tra thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm công tác kỷ luật cán bộ; có cơ chế để loại bỏ các cán bộ, công chức không đủ điều kiện về đạo đức, năng lực, trình độ, tham nhũng, lãng phí.
Thứ Sáu, ngày 8/11/2019, từ 8h đến 14h45: Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Từ 14h45 đến 16h45: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.
Theo TTXVN/Báo Tin tức