TOÀN CẢNH Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn:

Loại bỏ 'giấy phép con' trong công tác cán bộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 7/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh VGP

Trong quá trình Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Y tế sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan.

Xem xét chuyển từ chức danh hàm thành chuyên gia cao cấp

Trả lời đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về việc một số cơ quan Trung ương bổ nhiệm chức danh hàm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tại Kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ này, Bộ trưởng đã khẳng định, Đảng, Nhà nước không quy định “hàm”.

Để thực hiện chủ trương này, năm 2017 Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về hàm Thư ký, trợ lý, chuyên viên cao cấp. Năm 2018, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng văn bản quy định về chuyên viên cao cấp, chức danh trợ lý, chức danh thư ký,chuyên gia cao cấp... để sớm trình Bộ Chính trị về các chức danh này.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, các Ủy viên Trung ương đều có thư ký nhưng không có chức danh, phụ cấp gì cả và chức danh “hàm” hiện nay có rất nhiều ở các bộ, các cơ quan của Đảng.

“Bây giờ Bộ đang xem xét để chuyển từ chức danh hàm qua thành chuyên gia cao cấp, còn hiện nay không có quy định chức danh hàm”, Bộ trưởng nói.

Thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp: Không cần thiết, nhiều bất cập, tiêu cực

Về việc tổ chức thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, “không phù hợp và không cần thiết” vì “đang gây ra nhiều bất tiện và tiêu cực”.

Ông dẫn chứng, nếu là đại biểu Quốc hội, chức vụ không bé, thậm chí sắp về hưu, đã học lớp học chuyên viên cao cấp lâu rồi, nhưng chỉ vì không có sáng kiến cấp tỉnh, cấp nhà nước nên không được thi. “Vậy thì với đại biểu Quốc hội, xây dựng pháp luật có được xem là ngang với các đề tài kia không”, đại biểu nêu câu hỏi?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh chức vụ lãnh đạo. Cụ thể là, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức quy định.

Còn đối với những công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, hiện nay có hai luồng tư tưởng khác nhau: Một là, thi nâng ngạch để hưởng lương. Hay là thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch?

Bộ trưởng cũng cho biết, cá nhân ông “chọn thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch, vì đề án của chúng ta là đề án trả lương theo vị trí việc làm”.

Theo đó, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên cao cấp, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên chính. Chính vì vậy, “chúng ta thi tuyển theo vị trí việc làm phù hợp hơn tiến hành thi ngạch”, Bộ trưởng nói, “thi ngạch rồi lại bổ nhiệm, sắp xếp vị trí cao hơn”. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ để thể hiện trong Nghị định của Chính phủ sắp tới.

Theo Bộ trưởng, trong dự thảo Luật cũng đặt vấn đề là có hai hình thức, đó là xét hoặc thi. Nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý nhưng có thâm niên công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định, chúng ta có thể xét nâng ngạch; còn nếu công chức muốn thi vào vị trí việc làm có ngạch cao hơn thì tổ chức thi vào vị trí việc làm để công nhận là cao hơn.

Trên cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm, trả lương theo chức vụ, Bộ trưởng khẳng định, “các vấn đề thi này sẽ đơn giản bớt thủ tục hành chính, không cần quá nhiều thủ tục rườm rà như hiện nay”.

Về đề nghị của đại biểu liên quan đến điều kiện thi chuyên viên cao cấp yêu cầu phải có sáng kiến, đề tài cấp tỉnh, cấp nhà nước được công nhận, Bộ Nội vụ đã tiếp thu, chỉnh sửa lại trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch. Theo đó, “chỉ cần có tham gia đề tài cũng có thể được”, Bộ trưởng cho biết, “nhưng sắp tới, Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng càng đơn giản hóa thủ tục hành chính càng tốt…”

Bộ Nội vụ đã giảm được bao nhiêu đầu mối, biên chế?

Trả lời đại biểu về sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế của các bộ ngành và của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong báo cáo của Bộ Nội vụ về thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có ghi rất rõ về vấn đề tinh giản biên chế. Nhưng riêng số liệu của mỗi bộ về tinh giản biên chế bao nhiêu, Bộ trưởng “xin phép đại biểu sẽ gửi bằng văn bản về số liệu thống kê cụ thể, vì chưa nắm tình hình của từng đơn vị riêng”.

Đối với việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã giải thể một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là đơn vị trực thuộc Bộ và sắp xếp cơ cấu cấp phòng. Bộ Nội vụ đã giảm 14 phòng, hiện nay không có vụ nào còn phòng.

Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã giảm cơ cấu bên trong của 19 đơn vị trực thuộc, trong đó đã giảm tất cả 3 đơn vị đào tạo của các đơn vị trực thuộc, gom chức năng, nhiệm vụ đào tạo của các đơn vị trực thuộc này về cho Học viện hành chính quốc gia”. Vì vậy, “nếu sắp xếp theo Quyết định 705 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị đào tạo đối với các bộ, ngành Trung ương, Bộ Nội vụ là đơn vị tiên phong làm đầu tiên”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, biên chế của Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, nếu tính số giảm biên chế của Bộ “tổng cộng đến giờ này có 76 người, tức là đạt trên 10%”.

Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức “chúng tôi vừa rồi đăng ký giảm 15%, hiện còn 64 biên chế chưa nhận, để giải quyết trường hợp những đơn vị nào thiếu đột xuất sẽ lấy từ số lượng biên chế dự phòng này”. Như vậy, mục tiêu đến năm 2021 theo quy định, Nghị quyết 39 chỉ cần giảm 10% Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tham nhũng vặt rất nguy hiểm, "lỗ nhỏ dễ đắm thuyền". Ảnh VGP

Tham nhũng vặt rất nguy hiểm, ‘lỗ nhỏ dễ đắm thuyền’

Trả lời câu hỏi về xử lý cán bộ, công chức tham nhũng vặt của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng cho rằng, đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt.

Vừa qua Chính phủ ban hành Đề án Văn hoá công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hoá công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên.

Bộ trưởng nêu thực tế có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm 12h đêm không nghỉ. Như Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy.

“Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay”, Bộ trưởng bày tỏ và nhấn mạnh, tinh thần xử lý tham thũng vặt là phải xử lý kiên quyết.

Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng để nhận trách nhiệm

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa “xin nhận khuyết điểm”.

Theo Bộ trưởng, đây là quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc có từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm.

“Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng”, người đứng đầu ngành nội vụ thẳng thắn nói.

Bộ trưởng cho biết, đã làm việc với một số lãnh đạo của cơ quan liên quan bàn về vấn đề cơ cấu của người dân tộc sắp tới và biên chế đã được giao. Theo đó, dứt khoát thi tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Vì vậy, phải tuyển dụng riêng, tức là tuyển dụng người dân tộc với nhau, và người Kinh với nhau để đảm bảo cơ cấu.

“Nếu làm chung thì không được đâu, kể cả về tiêu chuẩn, điều kiện bồi dưỡng người dân tộc, kể cả trình độ ngoại ngữ cũng phải tính khác chứ không thể tuyển dụng chung một mặt bằng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và hy vọng trong nhiệm kỳ tới, nhất là Đại hội các cấp sẽ phải đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đều đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc trong cơ cấu công chức, viên chức ở cấp tỉnh, thậm chí có những tỉnh đạt tỷ lệ cao.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). Ảnh VGP

Chúng ta không sáp nhập cơ học

Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) đề cập tình trạng nhập vào rồi tách các cơ quan hành chính không phải là hiếm ở Việt Nam. Vừa qua, khi triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, 11 địa phương đã triển khai thí điểm việc hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND thành một văn phòng chung. Không ít người cho rằng, việc sáp nhập này không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, có thể làm giảm vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.

“Với vai trò là tư lệnh của ngành chuyên tham mưu cho Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này thế nào? Theo Bộ trưởng, việc sáp nhập này có thực sự làm tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương tạm dừng sắp xếp.

Trước mắt chưa quy định khung các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; quy định khung bình quân số lượng cấp phó; xây dựng tiêu chí thành lập các Sở, phòng đặc thù và xây dựng tiêu chí thành lập cơ quan bên trong Sở.

Chính phủ sẽ có nghị quyết thí điểm, chọn không quá 20% đơn vị hành chính cấp tỉnh để thí điểm tới năm 2021 rồi tổng kết.

Cho biết, "Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này" Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta không sáp nhập cơ học từ Sở này qua Sở khác mà phải tách rõ chức năng, nhiệm vụ để liên thông, giải quyết thủ tục hành chính, vừa giảm bớt phiền hà, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Theo người đứng đầu ngành nội vụ, đến nay đã có 2 tỉnh, 50 huyện thực hiện thí điểm sáp nhập giữa cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan của Nhà nước; 40 huyện sáp nhập 3 Văn phòng (Văn phòng ĐBQH, HĐND, UBDN). Theo đó đã chuyển toàn bộ biên chế theo đúng tinh thần của Nghị quyết 580 và Kết luận số 34 của Bộ Chính trị.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên). Ảnh VGP

Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập.

Cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, đại biểu lý giải, thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Về vấn đề tinh giản biên chế, theo đại biểu cử tri băn khoăn lo lắng về tình trạng giảm những người "tinh" và đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức kém tài?

Theo đại biểu, việc sắp xếp lại bộ máy Nhà nước chắc chắn sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, điều này tạo nên tâm lý rất bất an.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để chúng ta giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với chủ trương tinh giản biên chế tinh gọn bộ máy?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ. Ảnh VGP

Bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà

Trả lời đại biểu Bộ trưởng Lê Vĩnh Tâm thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ.

Theo Bộ trưởng, không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa.

Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.

Bộ trưởng cũng hứa với đại biểu Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, sẽ xây dựng Nghị định mới với những quy định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Đó là vấn đề đi vào thực chất, đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.

Điểm nghẽn lớn trong thực hiện tự chủ

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới?

Theo đại biểu việc thực hiện chủ trương tự chủ của các đơn vị công lập như hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập như: Quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định lương hay các vấn đề sử dụng các tài nguyên của đơn vị, tài sản công, liên kết với các đơn vị khác... Các bất cập này đã được các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Nhấn mạnh đây là điểm nghẽn lớn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng ta về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân bất cập với vai trò của mình, Bộ trưởng giải quyết như thế nào?

Ảnh VGP

Chúng ta phải sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”.

Như vậy thì thống kê bước đầu Bộ Nội vụ nhận được là 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu, riêng ngành y tế khoảng hơn 12.000.

“Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế.

Bộ trưởng khẳng định, chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề.

Cho biết, nhiều địa phương làm rất tốt, giảm giáo viên rất tốt và cũng không cần đề nghị tăng thêm biên chế giáo viên, ngoài ra, mỗi năm còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho phát triển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị các tỉnh khác phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP

Tổ chức bộ máy nhiều bộ ngành, địa phương đã tinh gọn

Báo cáo Quốc hội trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cảm ơn các đại biểu, đồng bào cử tri cả nước luôn quan tâm theo dõi các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành nội vụ nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng, đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII và Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực hiệu quả là mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đặt ra, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 Khoá XII đã đề ra quan điểm, chủ trương về định hướng, lộ trình, bước đi tổ chức thực hiện rất cụ thể.

Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan. Khối hành chính nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu đề ra với nhiều lý do khác nhau. Công tác cán bộ rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, là người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ; từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao.

Thừa nhận việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng và 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn. Ảnh TTXVN

Hỏi nhanh, đáp gọn, tranh luận đến cùng

Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, kỳ họp này tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nối tiếp những kết quả được đánh giá tốt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề. Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.

Với hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, tại kỳ họp này mỗi lượt có khoảng 3-4 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn...

Nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng là những vấn đề không chỉ được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn mà còn được cử tri và nhân dân quan tâm. Cùng với việc tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để tăng sự tranh luận nhằm đi đến tận cùng vấn đề, chắc chắc rằng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sự trả lời trực diện của các thành viên Chính phủ sẽ làm sáng tỏ những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, gửi gắm tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Theo www.chinhphu.vn