Sự đột phá trong tiến trình đàm phán RCEP
Được ASEAN khởi xướng vào tháng 11-2012, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các cấp cao liên quan, các nước tham gia RCEP đã cùng nhau thảo luận về Hiệp định này và đạt được những kết quả tốt đẹp. Sau gần 7 năm đàm phán, đến nay, 15 nước thành viên các nước đã hoàn tất toàn bộ tiến trình đàm phán toàn trên văn bản, cũng như cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau.
Phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, lãnh đạo các nước tham dự đã đánh giá cao sự đột phá trong tiến trình đàm phán RCEP, đồng thời cam kết sẽ ký văn kiện này vào năm 2020 để thúc đẩy giao dịch thương mại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và tự do hóa cho các hoạt động đầu tư.
Hiệp định RCEP khi được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Con số này lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018 (khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5 % GDP toàn cầu).
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc đàm phán thành công Hiệp định sẽ góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.
Chủ động tiếp nhận cơ hội
Riêng với Việt Nam, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cơ hội mà Việt Nam có thể nhìn thấy rõ nhất tại RCEP đó chính là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện mỗi năm các doanh nghiệp nước ta phải chi tới gần 800 triệu USD để nhập khẩu gỗ từ các nước ASEAN, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng một phần ba số đó.
Nhận định những cơ hội cho ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, 6 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand là những thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ. Do đó, vào RCEP các doanh nghiệp không chỉ được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các ưu đãi, xuất xứ nguồn gốc mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro, tăng sức cạnh tranh...
Bên cạnh ngành gỗ, sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội từ RCEP khi được mở rộng cửa để tiến vào một thị trường lớn bên ngoài ASEAN với hai lợi thế nổi bật là tiết kiệm chi phí vận chuyển và nguồn nguyên phụ liệu ổn định.
Ngoài ra, các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP nhờ có nhiều nội dung thỏa thuận, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan. Mặt khác, RCEP cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên.
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng với RCEP các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể khi tham gia RCEP. Hiện nay nước ta vẫn phụ thuộc đáng kể về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế.
Một vấn đề quan trọng mà các chuyên gia kinh tế lo lắng đó là sự dịch chuyển nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta tham gia hiệp định thương mại. Nếu như doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ năng lực, không tạo động lực và cơ hội làm việc tốt cho người lao động thì sẽ khó có thể giữ chân lao động chất lượng. Khi ấy việc duy trì cán cân cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại lại càng khó và doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để có thể chen chân vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu.
Để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhận thức hai khía cạnh đặc biệt của RCEP. Thứ nhất, đây là thỏa thuận liên quan đến một trong những mạng lưới sản xuất năng động nhất trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp nên liên kết với nhau tham gia chuỗi giá trị hơn là bước một mình. Thứ hai, các chuỗi giá trị của RCEP phụ thuộc vào FDI từ các nhóm kinh tế lớn của Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Để tham gia chuỗi giá trị trong RCEP, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về các nhóm này.
Theo TTXVN