Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, học giả từ các quốc gia ở khu vực này cũng ủng hộ lập trường của Việt Nam và chỉ trích các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ năm, từ phải sang), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ năm, từ trái sang) và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22, trong chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, sáng 3/11/2019, tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo bài báo, Việt Nam đã thể hiện một lập trường rõ ràng, hợp lý và nhất quán, luôn cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam thường xuyên bày tỏ mong muốn tất cả các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời nỗ lực để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để qua đó điều chỉnh hành vi của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Tác giả bài báo cho biết tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào những ngày đầu tháng 11 này, các nước đều tin rằng sự gắn kết, thống nhất trong quan điểm và hành động đối với việc giải quyết tình hình ở Biển Đông sẽ giúp củng cố bầu không khí hòa bình và ổn định trên toàn khu vực.
Bài báo cũng nhấn mạnh Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong các đại dương thế giới, bởi đây là khu vực có hoạt động hàng hải sôi động nhất. Theo bài viết, các chuyên gia cho rằng không có gì có thể đảm bảo những tình huống phức tạp và bất ổn tại Biển Đông như thời gian qua sẽ không lặp lại trong tương lai, do đó, các nước cần tuân thủ các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Theo TTXVN/Báo Tin tức