Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Theo dõi phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Thanh Hóa đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019. Cử tri cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục có những chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; cần gỡ “nút thắt” cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông…
Tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Đánh giá chung về tình hình kinh tế trong nước, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 3 năm qua cũng như riêng năm 2019, tình hình kinh tế nước ta nhiều chuyển biến lớn, đặc biệt là đẩy mạnh hội nhập với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thực tế, các doanh nghiệp của nước ta hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều thương hiệu lớn. Trong khi đó, điều kiện để quảng bá thương hiệu lại gặp khó ở nhiều mặt, từ tiếp cận thông tin thị trường, pháp luật đến tiếp cận vốn; hạ tầng đô thị còn hạn chế, công tác cải cách hành chính chưa tốt... ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng, khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, về mặt quản lý nhà nước, chúng ta chưa có chính sách lớn, mang tầm chiến lược để hội nhập, hầu hết các doanh nghiệp phải tự “bươn chải”. Trong khi đó, các nước đã có chiến lược rõ ràng để thâm nhập vào thị trường nước ta, từ đó đặt ra bài toán cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà. Nhà nước cần đưa ra những chiến lược, sách lược chung cho cả nước cũng như từng địa phương, trên cơ sở đó doanh nghiệp thực hiện định hướng đầu tư kinh doanh phù hợp, tận dụng được những ưu đãi từ quá trình hội nhập. Một thực tế khác, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta lại mang theo cả những công ty vệ tinh để sản xuất phụ kiện, phụ liệu; khiến cho sự cộng hưởng của doanh nghiệp trong nước với sự đầu tư từ nước ngoài chưa mạnh. Vì vậy, khi kêu gọi, thu hút đầu tư, cần chú trọng tới việc các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghiệp hỗ trợ trong nước như thế nào.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 31/10/2019. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Ở góc độ khác, cử tri Phạm Ngọc Hưng cho rằng, chủ trương chung luôn nhấn mạnh tới việc tạo môi trường bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp nhưng trên thực tế, việc triển khai vẫn chưa nghiêm khiến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó. Vì vậy, diễn đàn Quốc hội nên bàn sâu và cụ thể hóa chủ trương chung này để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và vừa phát triển. Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong bộ máy quản lý để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đề cập sâu hơn về lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Minh Lập, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ xanh Bình Minh, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đang phát huy hiệu quả khá tốt, tạo việc làm ổn định và cải thiện thu nhập cho xã viên. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều không có vốn đầu tư xây dựng cơ sở, ứng dụng công nghệ mở rộng sản xuất. Có rất nhiều chính sách về hỗ trợ vay vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng trên thực tế, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp rất khó để tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp.
Theo cử tri Lê Minh Lập, phần lớn hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp đều thuê đất để sản xuất nên không được thế chấp vay vốn hoặc nếu có đất để thế chấp thì đất nông nghiệp cũng được định giá rất thấp nên chỉ vay được một khoản nhỏ. Trong khi đó, hợp tác xã hầu như chưa tiếp cận được thông tin về các quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và quỹ tín dụng. Một vấn đề khác là việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất, kho chứa trên đất nông nghiệp hiện nay rất khó khăn; trong khi các trang trại, nông trại đều cần có nơi để chứa vật tư, phân bón và chứa nông sản vừa thu hoạch.Vì vậy, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, được tạo điều kiện để đầu tư xây dựng cơ sở bài bản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng đề xuất xem xét cho phép sử dụng tài sản xây dựng trên đất làm tài sản thế chấp. Đối với quy định xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, cần làm rõ khái niệm xây dựng công trình dân dụng và công trình phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng cho hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.
Gỡ “nút thắt” cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển
Cử tri Nguyễn Trọng Danh (thành phố Vĩnh Long) nhận định, phiên họp đã thảo luận nhiều vấn đề người dân quan tâm hiện nay như: Giải pháp phát triển kinh tế bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề Biển Đông, gia đình và trẻ em… Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá thêm về chất lượng tăng trưởng kinh tế, những nỗ lực cải thiện vị thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới; mức độ hài lòng của người dân về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương… từ đó có cơ sở để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, sự sáng tạo, vượt khó của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bởi đây là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Còn cử tri Nguyễn Hữu Hiệu (thành phố Vĩnh Long) cho rằng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn việc đầu tư cân đối, hợp lý cho phát triển vùng miền của cả nước, nhất là gỡ “nút thắt” cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Theo cử tri, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đứng trước 2 nguy cơ lớn là tình trạng thiếu nước ngọt do các đập thủy điện ngăn dòng chảy ở thượng nguồn và tình trạng bị sụt lún, nước biển dâng. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, thực hiện đồng bộ các giải pháp thích nghi, giảm thiểu tác hại của các nguy cơ trên, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển của vùng; cần quy hoạch phát triển sản xuất và dân cư tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp từng vùng sản xuất; quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất...
Cử tri Nguyễn Hữu Hiệu nhận định, nếu sản xuất nông nghiệp chỉ với hình thức cá thể, quy mô nhỏ lẻ như hiện nay thì không thể chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành công. Theo đó, hướng ưu tiên cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải là sản xuất lớn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời liên kết có hiệu quả giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Chỉ có thể sản xuất trên quy mô lớn mới có thể huy động được nguồn vốn, công nghệ và kết nối với thị trường trong và ngoài nước.
Trao đổi về giải pháp giảm thời gian, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, qua đó hạ được giá thành hàng hóa, giảm tải cho cảng biển ở Thành phố Hồ Chí Minh, cử tri Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Thạch Phước Linh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh là phải quy hoạch phát triển các cảng nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bởi khu vực này còn thiếu các cảng biển có công suất lớn.
Cử tri Nguyễn Văn Thi cũng cho biết thêm: Hiện nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) chỉ đạt 2.500 TEU, chưa tương xứng với năng lực tiếp nhận tàu của cảng. Lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn chủ yếu là hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu rất ít, mất cân đối về vỏ container, dẫn đến hãng tàu phải chuyển vỏ container từ nơi khác về nên phát sinh chi phí. Để khắc phục tình trạng này, Cảng Nghi Sơn cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị để bốc xếp hàng hóa của các tàu có trọng tải lớn. Các hãng tàu biển, các chủ đầu tư cảng, các đơn vị hoạt động logistics cần nghiên cứu xây dựng đơn giá bảo đảm tính cạnh tranh nhất để giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp. Tỉnh cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh nghiên cứu giảm thiểu thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian làm thủ tục thông quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển...
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông
Cử tri Hoàng Minh Luyện, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Thanh Hóa nhận xét phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 31/10 khá thẳng thắn, sôi nổi. Các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị về phát triển kinh tế - xã hội; nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Cử tri Hoàng Minh Luyện bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng giữ vững chủ quyền trên Biển Đông là không nhân nhượng nhưng phải có đối sách phù hợp với từng thời điểm, thời kỳ, phải kết hợp cả chính trị, ngoại giao và lịch sử pháp lý để giải quyết.
Theo cử tri Hoàng Minh Luyện, để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, cần sử dụng nhiều hơn nữa lịch sử và pháp lý.
Cử tri Hoàng Minh Luyện cũng cho rằng tại Thanh Hóa, cần trang bị thêm các tàu thuyền công suất lớn chịu được gió cấp 8 - 9 cho lực lượng biên phòng để phục vụ nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức