Cần quan tâm hơn đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Theo cử tri Nguyễn Quốc Khánh (phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cho thấy nhiều chuyển biến, đáng khích lệ, là tiền đề để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Khánh vẫn băn khoăn về vấn đề phân bổ vốn đầu tư công, dường như đang "bỏ quên" vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, các tỉnh ở phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang chưa có đường cao tốc, hạ tầng giao thông còn rất hạn chế, quá tải. Đơn cử ở An Giang đến nay vẫn chỉ có tuyến Quốc lộ 91 là độc đạo, tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên thì mới ở giai đoạn khảo sát, giải phóng mặt bằng do đó rất khó để An Giang phát huy lợi thế kinh tế biên giới giới cũng như thu hút các nhà đầu tư.
Quang cảnh phiên họp sáng 30/10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo ông Khánh, hạ tầng giao thông yếu kém cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng hóa nông sản của người dân An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long "bí" đầu ra, giá cả bấp bênh, vì không có doanh nghiệp đến đầu tư, chi phí vận chuyển cao… Ông Nguyễn Quốc Khánh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, ưu tiên hơn đến các tỉnh vùng đồng Bằng sông Cửu Long, qua đó đánh thức được tiềm năng của vùng đất này.
Còn theo cử tri Nguyễn Văn Kiệt (ở xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, An Giang), những kết quả đạt được thể hiện qua những con số cụ thể mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, cử tri là rất đáng ghi nhận; với sự nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của cả bộ máy đã từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy vậy, ông Kiệt cho rằng, kết quả đạt được vẫn còn tồn tại như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, xảy ra các sự việc tiêu cực trong thi cử, cán bộ sai phạm, tham nhũng, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước sạch, nông sản thiếu đầu ra... đòi hỏi Chính phủ cần tập trung giải quyết với tinh thần quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có chính sách để những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc dù luật chưa quy định nhưng thực tế đem lại hiệu quả cao, được nhân dân ghi nhận.
Giải quyết vướng mắc về điều hành dự án đầu tư công
Qua theo dõi Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng 30/10, Tiến sĩ Bùi Đức Hưng, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Xây dựng cho biết có nhiều vấn đề được nêu ra và ông đặc biệt quan tâm đến nhóm chỉ tiêu tăng trưởng.
Điểm nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, tốc độ tăng GDP cả năm ước trên 6,8%; tất cả 12 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt, trong đó có 7 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).
Tiến sĩ Bùi Đức Hưng nhấn mạnh đây là những thành tựu to lớn, thể hiện nỗ lực, cố gắng rất cao của các cấp, các ngành và cả nước; sự lãnh đạo của Đảng; sự điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy vậy, Tiến sĩ Hưng cũng chỉ ra bức tranh kinh tế - xã hội vẫn còn một số hạn chế.
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đạt và vượt các chỉ tiêu, ngoài các giải pháp Chính phủ đề ra, Tiến sĩ Bùi Đức Hưng cho rằng cần tháo gỡ hai vấn đề ở tầm vĩ mô. Trước hết, cần giải quyết vướng mắc về điều hành dự án đầu tư công giữa Quốc hội và Chính phủ bằng việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan lập pháp, giám sát tối cao với cơ quan hành pháp, chấp hành tối cao trong Luật Đầu tư công. Theo Tiến sĩ Bùi Đức Hưng, sự chậm trễ trong triển khai đầu tư cũng như giải ngân các dự án đầu tư công mấy năm nay chính là từ các khâu này.
Mặt khác, sự vướng mắc, lúng túng, trì trệ trong thực hiện Luật Quy hoạch đang làm chậm trễ việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương. Đây cũng là sự lãng phí xã hội rất lớn. "Quốc hội và Chính phủ nên nhìn thẳng vào vấn đề này để tháo gỡ, kể cả sửa đổi Luật Quy hoạch", Tiến sĩ Bùi Đức Hưng nêu ý kiến.
Thạc sĩ Văn Khắc Hùng, Công ty Chứng khoán Á Châu cho rằng những ý kiến đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên họp sáng 30/10 là thiết thực, xác đáng và sâu sắc. Các đại biểu đã phân tích cụ thể những mặt hạn chế, tồn tại trong báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đặc biệt là những tồn tại như chậm giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng...
Về đại công trình dự án Cảng hàng không Long Thành, cử tri Văn Khắc Hùng bày tỏ băn khoăn về việc chỉ để một doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Bên cạnh đó khi thực hiện dự án này với việc vay thêm gần 3 tỉ USD cần làm rõ thêm về vấn đề tăng mức nợ công của nhà nước để cử tri yên tâm.
Theo TTXVN/Báo Tin tức