Lâu nay, loài người hiện đại (homo sapien) được biết đến là có nguồn gốc châu Phi. Tuy nhiên, đến nay, giới khoa học chưa xác định chính xác nơi người hiện đại đầu tiên sinh ra. Một nhóm nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới tiến hành nghiên cứu dựa trên mẫu ADN của hơn 1.200 người dân bản địa tại miền Nam châu Phi.
Các nhà khoa học xác định một vùng đất phía Nam sông Zambezi là nơi người hiện đại đầu tiên sinh ra. Ảnh: Getty
Sau đó, họ đã kết hợp các mẫu ADN với dữ liệu về phân bố dân số, khảo cổ học và biến đổi khí hậu rồi lập ra một bản đồ gien. Các tác giả phát hiện ra rằng tổ tiên người hiện đại đầu tiên xuất hiện 200.000 năm trước ở khu vực phía Nam sông Zambezi tại Botswana. Vị trí được xác định là Makgadikgadi-Okavango, từng là một hồ nước lớn có diện tích gấp đôi hồ Victoria (69.000 km2) ngày nay nhưng hiện là một vùng sa mạc rộng lớn.
Cách đây khoảng 200.000 năm, hoạt động địa chất khiến hồ nước này nứt ra, tạo thành một vùng đầm lầy rộng lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây không chỉ là "nơi chôn nhau cắt rốn" của loài người hiện đại về mặt giải phẫu mà còn là "quê quán" của quần thể động vật lớn như hươu và sư tử.
Bản đồ gien được tạo ra cũng cho thấy người tiền sử đã tồn tại ở khu vực trên trong khoảng 70.000 năm trước khi di cư ra khắp toàn cầu. Sự thay đổi quỹ đạo và vòng quay của Trái Đất dẫn đến biến đổi khí hậu, thay đổi lượng mưa và thảm thực vật buộc tổ tiên của chúng ta phải rời bỏ quê hương. Làn sóng di cư đầu tiên di chuyển về hướng Đông Bắc khoảng 130.000 năm trước, sau đó lần di cư thứ hai về hướng Tây Nam 110.000 năm trước, trong khi một phần dân số vẫn sinh sống ở chỗ cũ.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature số ra ngày 28/10. Công trình này cung cấp bằng chứng định lượng đầu tiên và mới nhất cho thấy những biến đổi khí hậu do các yếu tố thiên văn học trước đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại di cư sớm nhất của loài người, từ đó thúc đẩy sự đa dạng về gien, các nhóm sắc tộc cũng như đặc tính văn hóa và ngôn ngữ của con người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức