Từ thông tin phản ảnh của người dân, chúng tôi đã có mặt tại kênh Cầu Ngòi, đoạn qua địa bàn xã Thành Hải và phường Văn Hải. Trên đoạn kênh dài gần 500m, chúng tôi ghi nhận có 5 xác lợn chết. Trong đó, có 3 xác lợn trọng lượng khoảng 30kg-40kg và 2 xác lợn con đang nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bên bờ mương Cầu Ngòi còn xuất hiện các bao tải lớn được buộc chặt, có xác lợn chết bên trong. Bà Nguyễn Thị Lượng, người dân địa phương tỏ thái độ rất lo lắng: Không biết xác lợn này xuất phát từ đâu, nhưng nếu là lợn bị dịch tả châu Phi thì nguy cơ lây nhiễm đối với đàn lợn nuôi của người dân trong vùng là rất cao. Nên đề nghị lực lượng chức năng sớm xử lý để hạn chế các nguy cơ ô nhiễm và ngăn chặn tái diễn tình trạng này.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh và UBND phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) khẩn trương xử lý nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh và đảm bảo môi trường. Lực lượng chức năng đã tiến hành vớt xác lợn lên, đào hố tiêu hủy theo đúng quy định; đồng thời tiếp tục điều tra phát hiện, xử lý đối tượng thả xác lợn chết xuống kênh mương, không tuân thủ quy định về phòng dịch.
Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Việc vứt xác lợn chết ra kênh mương không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh mà còn làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh đối với các vùng nuôi ở hạ lưu. Theo quy định, đối với hành vi này sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí xem xét xử lý hình sự. Qua đây chúng tôi cũng khuyến cáo, các hộ chăn nuôi, khi phát hiện lợn bị bệnh, chết bất thường, kịp thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý, phòng dịch theo đúng quy định. Tuyệt đối không được vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường và kênh mương. Bởi vi-rút dịch tả lợn châu Phi dễ phát tán ra môi trường và gây thiệt hại rất nặng nề, dai dẳng. Trong khi đó, để phòng dịch hiệu quả, các địa phương đều có phương án hỗ trợ tiêu hủy, hỗ trợ thiệt hại đối với vật nuôi bị tiêu hủy, cũng như chi phí con giống để tái đàn đối với các hộ chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, công tác phòng dịch tả lợn châu Phi tại địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực và dần được khống chế. Tuy nhiên nếu người dân không tuân thủ các quy định và hướng dẫn của ngành chức năng về phòng chống dịch thì nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục tái diễn phức tạp. Sau hơn 2 tháng, kể từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Lương Sơn (Ninh Sơn), đến nay toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 740 con lợn bệnh, với trọng lượng gần 47 ngàn kg. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 24 hộ chăn nuôi của 16 thôn, 8 xã, thuộc 3 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái). Chính vì vậy, bên cạnh việc phòng ngừa, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, nắm rõ các quy định, hướng dẫn về phòng dịch để cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khống chế và dập dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, phát hiện xử lý, răn đe các trường hợp cố tình vi phạm, để không gây ảnh hưởng xấu tới công tác phòng dịch hiện nay trên địa bàn tỉnh ta.
Anh Tuấn