Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cho biết, đám mây phóng xạ từ Nhật Bản đã chạm đến Châu Mỹ trong ngày 18/3 và hôm nay có xu hướng di chuyển ngược lại về phía Thái Bình Dương và có thể thay đổi hướng đi tuỳ thuộc và điều kiện khí tượng.
Hình ảnh của đám mây phóng xạ từ chương trình tính toán vận chuyển khí tượng
của CTBTO ngày 19/3. Ảnh: Bộ KH&CN
Kết quả tính toán cập nhật cho thấy, sau ngày 19/3 đám mây phóng xạ sẽ có xu hướng bay tiếp ra biển theo hướng Đông - Nam. Tới hết ngày 20/3 đám mây phóng xạ vẫn chưa bay về phía Việt Nam.
Đại tá, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện trưởng viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội cho biết, một thời gian nữa, Việt Nam sẽ ghi nhận được dấu hiệu của phóng xạ, nhưng ở mức an toàn cho mọi người. Trong trường hợp vượt mức này, Cục An toàn bức xạ hạt nhân của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có trách nhiệm phát đi cảnh báo tới người dân.
Nhận định về nguyên nhân khiến Nhật Bản chậm khắc phục các sự cố hạt nhân, một nhà khoa học của Cục An toàn bức xạ hạt nhân Việt Nam cho biết, có thể do họ thiếu kinh nghiệm nên chưa tìm ra được nguyên nhân cốt lõi của việc tăng nhiệt, nên chưa khắc phục triệt để hiện tượng này. Tuy nhiên, sẽ Fukushima sẽ rất khó trở thành “Chernobyl thứ 2”.
Theo VTC