Thuận Nam: Hiệu quả bước đầu từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong năm 2011, huyện Thuận Nam đặt ra mục tiêu là đào tạo cho 450 lao động nông thôn với các ngành nghề như: kỹ thuật trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến và bảo quản thủy sản, sản xuất gốm, thổ cẩm mỹ nghệ truyền thống, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên

 Huyện Thuận Nam được thành lập chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2009. Toàn huyện có 8 xã, trong đó có 2 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã thuộc vùng khó khăn của huyện. Tổng số dân toàn huyện là 54.678 người, số người trong độ tuổi lao động là 33.390 người, chiếm 60,8%.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010 đạt những kết quả đáng phấn khởi. Trong năm đã tổ chức 27 lớp với 823 học viên theo học nghề với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, nghề kỹ thuật trồng nấm rơm 588 học viên, nghề xây dựng 115 học viên và nghề may công nghiệp 120 học viên. Sau khi học các lớp đào tạo nghề, học viên được giới thiệu tạo việc làm trong thời vụ nông nhàn; chuyển đổi nghề nghiệp; tham gia ngay vào thị trường lao động trong, ngoài tỉnh góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo và ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Trong năm 2011, huyện Thuận Nam đặt ra mục tiêu là đào tạo cho 450 lao động nông thôn với các ngành nghề như: kỹ thuật trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến và bảo quản thủy sản, sản xuất gốm, thổ cẩm mỹ nghệ truyền thống, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên… Đây là những nghề đáp ứng sát với nhu cầu việc làm của người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời xây dựng đề án Trung tâm Dạy nghề tổng hợp cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt để phục vụ tốt hơn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương.