Dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn đi qua các điểm: xã Phước Nam (Thuận Nam), thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), Cầu Đạo Long 2 (Tp. PR-TC), xã Hộ Hải (Ninh Hải),… tập trung khá nhiều rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, tại các chân cầu, rác bị ứ đọng, gây ô nhiễm và mất vệ sinh môi trường trầm trọng. Với thực trạng trên, thật khó tạo được hình ảnh đẹp về một Ninh Thuận tương lai.
Từ thành thị…
Nội thành Tp.PR-TC, tình trạng cũng không khá hơn. Mặc dù công ty TNHH XD – DV&TM Nam Thành đã hợp đồng thu gom rác thải trên địa bàn thành phố (chỉ trừ thôn Phú Thọ - Đông Hải), tuy nhiên, tại một số phường, bà con nhân dân vẫn không hợp tác, không tham gia đóng phí thu gom rác. Người dân vô tư vứt rác thải sinh hoạt xuống kênh, mương, sông,… Mương Ông Cố (đoạn qua phường Phủ Hà) đang ngày càng ô nhiễm, dòng nước với rất nhiều rác thải dưới lòng mương không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn là nơi phát sinh nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Cùng chung thực trạng trên còn có kênh Chà Là đoạn qua cầu cầu Đá Bạc, phường Đông Hải cũng đang ngập ngụa rác…
Chăm sóc cây xanh đường phố. Ảnh: Văn Miên
Điều đáng nói là hầu như rác thải từ các mương, rãnh, sông, suối,… cuối cùng đều chảy ra các cảng biển. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải theo dòng hải lưu dạt vào các bãi tắm như Bình Sơn – Ninh Chử, Bình Tiên,… Ông Lê Văn Bá, Trưởng BQL Khu du lịch Bình Sơn – Ninh Chử, cho biết: “Hiện tại, dưới lòng biển khu vực bãi tắm tồn đọng rất nhiều rác và bùn. Cứ sau mỗi đợt mưa gió, thủy triều lại đẩy lượng rác này lên bờ cát, rất mất mỹ quan và gây ô nhiễm. Lượng rác này lại không ngừng được bổ sung từ các cửa sông, cửa biển, chủ yếu là rác sinh hoạt và chất thải từ hoạt động nuôi tôm hùm trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển du lịch theo quy hoạch của tỉnh.”
… Đến nông thôn
Tại vùng nông thôn, vấn đề xử lý rác thải dường như không có lối ra. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có đến 35/46 xã thuộc khu vực nông thôn (chiếm 76%) chưa tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt.
Khu vực nghĩa trang thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu – Ninh Phước) từ lâu đã kiêm luôn nhiệm vụ là bãi rác của thôn. Bà Huỳnh Thị An, một người dân ở đây, phân trần: “Không bỏ ở đó, giờ biết bỏ đâu? Đâu có ai đứng ra thu gom, nếu có người đến thu như ở thành phố thì chúng tôi sẵn sàng đóng tiền.” Trong khi đó, đường vào thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn – Thuận Bắc) lại được “trang hoàng” bằng “vật trang trí” đủ màu sắc ở hai bên lối đi. Những nhành cây, bụi gai xương rồng trở thành những giá treo bất đắc dĩ của túi nilon phế thải.
Còn tại các con đường tiếp giáp các xã, tình hình càng nan giải hơn. Tỉnh lộ 703 (đoạn nối xã Phước Thuận và xã Phước Hậu - huyện Ninh Phước), người dân vô tư thải rác dọc hai bên đường, vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường bộ. Điều đặc biệt là số hộ dân sinh sống gần tuyến đường này là không nhiều (do tỉnh lộ 703 chạy song song với đường sắt Bắc Nam). Vậy ở đâu ra số rác thải này? Trả lời chúng tôi về thực trạng trên, ông Quảng Đại Huynh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hậu, giải thích: “Vốn dĩ, người dân xã Phước Hậu không vứt rác ở khu vực này mà phần lớn là do người đi đường từ các địa phương khác tới đổ rác. Địa phương cũng đã tích cực vận động Đoàn thanh niên thu gom, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại đây nhưng tình trạng vẫn cứ tiếp diễn. Sắp tới, huyện Ninh Phước sẽ triển khai kế hoạch thu gom rác tại địa phương.”
Tại xã Phước Sơn (đoạn tiếp giáp xã Phước Vinh - Ninh Phước), theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tháng nay, xuất hiện một bãi rác “lộ thiên” và một vũng nước đọng đen sì, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Ông Nguyễn Văn Em, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: “Trước thực trạng này, chúng tôi đã đề xuất với huyện việc sử dụng 2 – 3 sào đất để quy hoạch thành bãi tập kết rác của địa phương…”.
Ông Trần Đình Minh, GĐ công ty TNHH XD-TM&DV Nam Thành cho biết: “Dự kiến đến tháng 4, chúng tôi sẽ mở rộng khu vực thu gom rác tới 2 huyện Ninh Sơn và Thuận Nam, hướng đến là giải quyết cho toàn tỉnh.”
Sắp tới, hàng loạt những chương trình quốc gia, quốc tế sẽ được tổ chức tại tỉnh ta, điển hình như: Ngày nước sạch thế giới (19-3), Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, Giải thi đấu quyền anh quốc tế,… nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng phương án giải quyết trước mắt vấn đề vệ sinh môi trường. Anh Châu Thanh Hải, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Trước thời điểm diễn ra các sự kiện này, tỉnh Đoàn sẽ phát động ra quân dọn dẹp, thu gom rác tại tất cả các địa phương.”
Ông Lê Thanh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện Sở đang cụ thể hóa đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp” đến từng đơn vị, địa phương. Theo đó thì tiêu chí “sạch” được hiểu một phần là tất cả chất thải rắn tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn toàn tỉnh phải được thu gom và xử lý đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Dự án này sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020, theo đúng quy hoạch phát triển KT – XH của tỉnh.
Một thương hiệu “xanh, sạch, đẹp” trong bối cảnh môi trường thế giới đang bị ô nhiễm, khí hậu toàn cầu đang biến đổi, sẽ là một thương hiệu mạnh, dù là ở lĩnh vực kinh doanh du lịch hay thu hút đầu tư.
Bảo Bình - Hồng Nhạn