Hội Nông dân tỉnh: Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giai cấp nông dân luôn là lực lượng đông đảo có lòng nhân ái, siêng năng, cần cù, sáng tạo; chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt; đồng thời luôn thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ gìn bờ cỏi thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhận thức rõ vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ngay từ khi ra đời (3-2-1930), Đảng ta đã có chủ trương tiến hành xây dựng các tổ chức cách mạng quần chúng. Tháng 10- 1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, nhằm tập hợp giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là tổ chức Hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng thành lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay.  

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 89 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh nhà không ngừng nỗ lực xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Công tác tuyên truyền, vận động, củng cố xây dựng tổ chức Hội Nông dân đã có bước phát triển mới cả về lượng và chất lượng, nội dung và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới thiết thực. Đến nay toàn tỉnh có gần 50 nghìn hội viên nông dân sinh hoạt ở 404 chi hội trực thuộc 65 cơ sở hội xã, phường, thị trấn và 7 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61/2009-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Kế hoạch số 5554/2012/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 673/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”, gắn với nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đã tổ chức ký kết trên 20 chương trình liên tịch với các sở, ban, ngành trong tỉnh giai đoạn 2011-2020…, qua đó, hoạt động xây dựng Hội đã có những bước phát triển ghi nhận.

Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) tích cực lao động sản xuất, thu hoạch lúa
đạt năng suất cao góp phần xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, năm 2019, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội đã giải ngân 25 dự án cho 278 hộ vay trên 7,3 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân gần 1.694 tỷ đồng cho trên 62.000 hộ nông dân vay vốn thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc giúp hỗ trợ vốn làm ăn, các cấp hội còn chủ động phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân; đồng thời vận động hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn như: mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây nho, táo, măng tây; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa...

Đặc biệt, các cấp hội tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là 3 phong trào lớn: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo thêm nhiều việc làm, giúp đỡ nông dân nghèo, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau cùng làm giàu đã góp phần tích cực vào nâng cao đời sống, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội nông thôn.

Đất nước ta đang hội nhập từng ngày, trên con đường phát triển, nông nghiệp, nông thôn và nông dân cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, quyết định của tỉnh về chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân vững mạnh thực sự là “Trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân trong phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) áp dụng kỹ thuật trồng nho đạt năng suất cao. Ảnh: P.Bình

Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua của Hội, trọng tâm là phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” cùng với các phong trào thi đua yêu nước do tỉnh phát động. Chú trọng xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn của huyện, chính quyền xã để nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân về vốn, pháp luật, khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn biến đổi khí hậu, chuyển dịch kinh tế nông thôn; đẩy mạnh việc phối hợp nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; tổ chức học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tích cực, chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biệt xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống Hội Nông dân, đồng thời phát hiện, giới thiệu hội viên nông dân ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp...

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 89 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam, toàn thể cán bộ, hội viên nông dân và giai cấp nông dân Ninh Thuận với tấm lòng yêu nước nồng nàn, kiên trung với Đảng, cần cù lao động, thực hành tiết kiệm, năng động sáng tạo, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, nguyện xứng đáng là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới quyết tâm cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.