Đề tài “Nghiên cứu kiểm soát ô nhiễm nguồn nước hồ công viên 29-3 (Đà Nẵng) bằng mô hình đất ướt” do nhóm bốn bạn sinh viên khoa môi trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng: Lê Văn Sơn, Phan Thị Kim Ngà, Phạm Phú Lâm, Trịnh Vũ Long thực hiện đoạt giải nhất trong Ngày hội Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2010 cấp trường.
Đối tượng nghiên cứu là cây chuối hoa (tên khoa học là cannan geniralis bail).
Cây chuối hoa
Hiện nay tình trạng khan hiếm nước sạch, thiếu nước đang diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê, tình trạng thiếu nước sẽ đe dọa đến 4 tỉ người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ở một số nơi cũng đang lâm vào tình trạng báo động thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, như tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An và một số huyện đảo.
Bắt nguồn từ thực tế đó, nhóm sinh viên nói trên đã nghiên cứu, tìm giải pháp để góp phần vào việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng, thông qua việc tái sử dụng lượng nước thải từ các hộ gia đình.
Hằng ngày nhóm nghiên cứu đã lấy nước được bơm từ cống thải vào bồn chứa (thể tích 1m3), sau đó điều chỉnh van của các ống dẫn tùy theo thời gian nước lưu của các mô hình trồng cây chuối hoa. Sau đó mỗi ngày tiến hành lấy mẫu nước đầu ra ở các mương thu nước vào lúc 7g sáng, tiến hành phân tích các chỉ tiêu: SS, TDS, DO, pH, độ kiềm toàn phần, độ axit toàn phần...
Kết quả, các cây chuối hoa đều cho hoa và sinh chồi mới, cây non rất nhiều chứng tỏ cây đã thích nghi tốt với nguồn nước thải trong mô hình đất ướt. Mô hình đất ướt dễ xây dựng và vận hành với kinh phí thấp so với các hệ thống xử lý nước thải đắt tiền, có hiệu suất chuyển hóa cao, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn B.
Ước mong nhân rộng mô hình
Suốt một năm nghiên cứu, nhóm phân tích khả năng xử lý chất thải trong sinh hoạt của loại cây này. “Nước thải sinh hoạt hằng ngày của hộ gia đình chủ yếu là nitơ và phốtpho, đây cũng là chất dinh dưỡng nuôi sống cây chuối hoa” - Lê Văn Sơn cho biết.
Không dừng lại ở đó, Lê Văn Sơn (SV lớp 07MT1) ứng dụng mô hình này vào việc xử lý nước thải sinh hoạt trong hộ gia đình. Nước thải từ nhà tắm, nhà bếp được chứa trong bồn để điều tiết áp lực. Bể trồng cây - điểm đến tiếp theo của dòng nước thải - được trồng nhiều cây chuối hoa. Bể trồng cây sẽ luôn ngập nước. Và đất cát sẽ giữ các tạp chất, còn rễ cây chuối hoa thì xử lý chất thải, sau đó lượng nước dư chảy từ bể trồng cây được tái sử dụng.
Điểm đến đầu tiên của mô hình này là quán cà phê Văn (111 Lê Lợi, TP Đà Nẵng). Nhận được sự chào đón và hỗ trợ của chủ quán, Sơn và nhóm bạn bắt tay lắp đặt mô hình. Mô hình này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình bởi nước sau khi xử lý đạt mức độ B, có thể dùng tưới cây, nuôi cá cảnh, rửa chén.
Lê Văn Sơn còn thuyết phục bạn bè cho phép lắp đặt mô hình này tại nhà như một cách tăng lòng tin của cộng đồng về việc ứng dụng khoa học vào đời sống.
“Những mô hình xử lý nước thải hiện nay phần lớn khá tốn kém. Mô hình đơn giản có thể giúp hộ gia đình nhỏ tái sử dụng nguồn nước, tăng mỹ quan đô thị và ý nghĩa hơn là thải ra môi trường loại nước sạch tương đối giảm ô nhiễm cho môi trường” - Sơn chia sẻ.
Nguồn Cục Quản lý tài nguyên nước