Ninh Hải huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Ninh Hải là huyện đồng bằng ven biển, có diện tích tự nhiên 25.358,09 ha, với dân số khoảng 94.424 người (23.864 hộ) sinh sống tại 1 thị trấn và 8 xã. Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020, cán bộ và nhân dân Ninh Hải đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn của huyện nhà.

Đến nay Ninh Hải đã có 6/8 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể giai đoạn 2011 – 2015 có 3 xã là Tri Hải, Tân Hải, Xuân Hải, giai đoạn 2016 đến tháng 6-2019 có 3 xã là Phương Hải, Hộ Hải và Thanh Hải.

Vai trò chủ thể của người dân từng bước được phát huy

Những ngày cuối tháng 9, đi về các xã miền biển và các xã ven Đầm Nại của huyện Ninh Hải tìm hiểu, chúng tôi được biết trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, người dân đã hưởng ứng sôi nổi phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng trong thôn, xóm. Điển hình ở thôn Thủy Lợi (xã Tân Hải), có ông Đoàn Minh Tâm nêu gương người đầu tiên hiến đất với diện tích 300 m2 cho UBND xã làm đường, bên cạnh đó ông còn tham gia cùng chính quyền vận động các hộ khác hiến đất tương tự. Ở thôn Tân An (xã Tri Hải) có hộ bà Nguyễn Thị Mẫu hiến 1.500 m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo. Xã Thanh Hải có các ông Lê Khán, Lê Thành Diệu, ngụ thôn Mỹ Tân 2 và ông Võ Long, cư trú thôn Mỹ Phong, hiến đất làm đường giao thông. Đặc biệt tại xã Phương Hải có ông Phạm Công Đạm, nông dân thôn Phương Cựu 3, tự nguyện bỏ kinh phí ra để xây dựng khoảng 147 m đường bê tông và làm rãnh thoát nước trên các tuyến đường bê tông trong khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hằng năm trong ngày hội đại đoàn kết, ông luôn dành khoảng 15 triệu đồng mua quà tặng cho các hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ngoài ra ông còn vận động nhân dân thôn Phương Cựu 3 thực hiện các mô hình: Thắp sáng đường quê, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp.

Đường nội thôn được nhân dân thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải) góp kinh phí và công lao động thực hiện. Ảnh: B.T

Nhờ có cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và đề xuất những chính sách xây dựng NTM phù hợp với từng địa phương, trong ngần ấy năm, nhiều công trình hạ tầng nông thôn thiết yếu được Ninh Hải từng bước đầu tư xây dựng dần hoàn chỉnh. Về giao thông, toàn huyện đã hoàn thành 82,634 km đường giao thông nông thôn, đường liên huyện, 100% số xã đều có đường giao thông thông suốt đến trung tâm xã. Về thủy lợi, đã kiên cố hóa trên 12 km kênh mương cấp II, cấp III và gần 52 km cấp I, nâng diện tích chủ động nước tưới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả. Các công trình như trường học, chợ, điểm sinh hoạt văn hóa, trạm Y tế và các công trình công cộng khác đều được đầu tư xây dựng chỉnh trang. Về sản xuất, toàn huyện đã hình thành 9 vùng sản xuất tập trung cây trồng, vật nuôi; một số mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết đã phát huy tác dụng. Nếu so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo (hiện là 2,79%) đã giảm 6,44%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ trên 20 triệu đồng/năm lên trên 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ khu dân cư đạt chuẩn văn hóa là 97,5% (39/40 thôn, tăng 74,42%).

Cần chủ động hơn trong huy động nguồn lực

Có thể khẳng định qua thực hiện xây dựng NTM, Ninh Hải có kinh tế-xã hội phát triển tương đối toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, tiến trình xây dựng NTM ở Ninh Hải vẫn còn chậm so với mục tiêu kế hoạch. Trước hết về nguồn lực, từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư huy động cả huyện chỉ là 318,249 tỷ đồng, trong đó chỉ có 4,47% là vốn của doanh nghiệp, 6,36% là vốn cộng đồng dân cư. Đồng chí Trinh Minh Hoàng, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải nhận xét: “Nếu so với một số tỉnh khác, nguồn lực huy động của cả huyện trong chừng ấy năm là quá thấp, chỉ tương đương một xã, điều này cho thấy các địa phương vẫn chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chứ không chủ động huy động cộng đồng, doanh nghiệp nên thiếu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”. Hạn chế nguồn lực khiến một số địa phương chưa đạt được kế hoạch đề ra, chưa tích cực thực hiện chương trình. Các mô hình phát triển kinh tế thực hiện thí điểm chưa được nhân dân ứng dụng nhân rộng.

Từ bài học kinh nghiệm rút ra, theo đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND huyện, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ninh Hải quyết tâm khắc phục hạn chế trên, tập trung đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình. Theo đó, Ninh Hải tăng cường chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn, trước mắt phấn đấu trong năm 2020 có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã giữ vững đạt và nâng cao các tiêu chí NTM, huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân góp vốn, đất, công lao động, Ninh Hải chú ý vận động nhân dân tham gia thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp; tham gia các tổ chức kinh tế tập thể nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.