Năm 1977, sau ngày miền Nam giải phóng, nhà máy sản xuất bia Sài Gòn được công ty Rượu miền Nam tiếp quản, chính thức trở thành Công ty Bia Sài Gòn từ năm 1993. Sau đó, trở thành Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn từ năm 2003, trên cơ sở tiếp nhận thêm các thành viên gồm Công ty Rượu Bình Tây, Công ty Nước giải khát Chương Dương, Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ và Công ty Thương mại dịch vụ Bia- Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Từ đó đến nay, Sabeco luôn là doanh nghiệp sở hữu danh mục sản phẩm mang thương hiệu thân thương với người tiêu dùng Việt Nam.
Nổi bật nhất là thương hiệu Bia Saigon gồm Saigon Special, Saigon Export và Saigon Lager - sản phẩm đã giành huy chương vàng “Giải thưởng quốc tế dành cho dòng bia Lager dung tích nhỏ” tại giải thưởng Bia quốc tế- International Brewing Awards (IBA) năm 2019.
Bia Saigon tái khẳng định giá trị Việt.
Một sản phẩm khác là bia lon 333 ra đời từ năm 1985 đã được xuất khẩu tới 18 nước trên thế giới. Xá xị Chương Dương, thương hiệu thành viên cũng là cái tên không xa lạ với hàng triệu người tiêu dùng trong 60 năm qua.
Là thương hiệu truyền thống, Sabeco đặt yếu tố truyền thống lên hàng đầu trong hành trình khẳng định vị thế ở thị trường trong nước. Năm 2019 đánh dấu cột mốc đặc biệt khi hãng tái ra mắt thương hiệu Bia Saigon với diện mạo mới hiện đại, bắt mắt và phù hợp xu hướng hơn.
Vẫn giữ nguyên công thức nấu truyền thống và nồng độ cồn, lấy hình ảnh rồng Việt Nam là biểu tượng đại diện, Sabeco kỳ vọng thiết kế mới tăng tính kết nối của di sản lâu đời này với người tiêu dùng trẻ, đồng thời vẫn giữ được “hồn Việt” của sản phẩm.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển thương hiệu truyền thống, ông Bennett Neo, CEO của Sabeco cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy những yếu tố truyền thống của thương hiệu. Thông qua việc làm mới diện mạo của một sản phẩm dường như đã quá thân thuộc, chúng tôi muốn một lần nữa khẳng định Bia Saigon là sản phẩm Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng Việt và là niềm tự hào của ngành bia Việt trên trường quốc tế”.
Mục tiêu của Sabeco là phát triển toàn diện, bền vững, phát huy tiềm năng thương hiệu Việt.
Nhờ chiến lược dài hạn và chắc chắn ở thị trường trong nước, Sabeco đã gặt hái được những thành công nhất định, thể hiện rõ ở niềm tin của người tiêu dùng dành cho sản phẩm.
Theo khảo sát mới nhất của Kantar Worldpanel Việt Nam, Sabeco là thương hiệu đồ uống được người tiêu dùng ưa thích chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn.
Nối tiếp thành công của chiến dịch tái ra mắt Bia Saigon, hãng hướng đến sự thay đổi toàn diện bằng việc rà soát lại danh mục sản phẩm để đưa ra ý tưởng đổi mới tương tự cho các nhãn hàng khác. Đại diện Sabeco cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu đến khách hàng những dự án mới trong thời gian tới.
Để tiến xa trong tương lai, công ty đã xây dựng mô hình phát triển bền vững 4C chú trọng vào 4 mục tiêu Consumption (Tiêu thụ) - Conservation (Bảo tồn) - Country (Đất nước) - Culture (Văn hóa). Mô hình 4C này được phát triển với bốn yếu tố chính là khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ bia có trách nhiệm; hoạt động kinh doanh và sản xuất với nguyên tắc bảo tồn và bảo vệ môi trường; đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Vượt qua những nghi ngại trong thời gian đầu chuyển đổi, Sabeco từng bước nỗ lực cải tiến sản phẩm và công việc kinh doanh, để tiếp tục phát huy truyền thống nhằm đảm bảo sản phẩm chiếm một vị trí đặc biệt, khó thay thế trong đời sống của người tiêu dùng Việt.
Trong năm 2018, SABECO là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia. Đặc biệt là nền kinh tế của các địa phương nơi SABECO xây dựng nhà máy bia đã có sự khởi sắc đáng kể.
Cụ thể, tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2018, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, một trong những đơn vị trong hệ thống SABECO đã đóng góp 661 tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Mới đây nhất chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, công ty tiếp tục đóng góp 273 tỷ đồng vào nguồn thu của tỉnh nhà.
Tổng cộng, tính trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền hệ thống SABECO đã đóng góp vào ngân sách của các tỉnh thành khu vực duyên hải Nam Trung Bộ vào khoảng 6.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động trực tiếp đồng thời gián tiếp tạo ra số lượng việc làm gấp từ 4 đến 6 lần số lượng nhân viên thông qua chuỗi giá trị.