Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Vật lý Thiên thể số ra ngày 27/9. Phát hiện này có thể cung cấp manh mối giúp các nhà khoa học hiểu được cách thức vũ trụ hình thành và phát triển.
Bằng việc quan sát các kính viễn vọng Sabaru, Keck và Gemini, nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Yuichi Harikane thuộc Viện Quan sát thiên văn học quốc gia của Nhật Bản, cho biết cụm thiên hà xuất hiện sớm nhất như vậy được gọi là nhóm thiên hà sơ khai, thường rất khó phát hiện bởi chúng rất hiếm và là một hệ đặc biệt với tính dày đặc cực cao.
Nhóm thiên hà được cho là lâu đời nhất vũ trụ - Ảnh: The Express Tribune
Với sự tập hợp của 12 thiên hà, nhóm thiên hà sơ khai này cho thấy kết cấu vũ trụ rộng lớn đã hiện diện từ giai đoạn đầu hình thành vũ trụ, cách đây 13,8 tỷ năm.
Một trong số 12 thiên hà trong nhóm thiên hà này được biết tới là thiên hà Himiko, một đám mây khí khổng lồ nằm cách trung tâm cụm thiên hà tới 500 triệu năm ánh sáng, được các nhà thiên văn phát hiện vào năm 2009 bằng kính thiên văn Subaru.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Masami Ouchi cho biết các nhà khoa học ngạc nhiên khi thấy thiên hà lớn như Himiko lại nằm ở bên rìa chứ không phải là ở trung tâm của nhóm thiên hà. Tuy nhiên, manh mối này có thể là chìa khóa để hiểu mối quan hệ giữa các thiên hà và cụm thiên hà khổng lồ.
Trong vũ trụ hiện tại, các cụm thiên hà có thể chứa hàng trăm thành viên, nhưng bằng cách nào mà chúng phát triển thành cụm vẫn là một câu hỏi lớn trong thiên văn học. Việc phát hiện những cụm thiên hà sơ khai như thế này có ý nghĩa rất quan trọng, có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự hình thành của chúng.
Các nhà khoa học phát hiện ra nhóm thiên hà trên trong quá trình vẽ bản đồ một vùng trời rộng lớn khi quan sát bằng kính thiên văn Subaru đặt tại Hawaii.
Theo www.chinhphu.vn