Được không ít người đánh giá là “thủ phủ ẩm thực” của Việt Nam, phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam nổi tiếng sở hữu những món ăn đa dạng, đủ để thỏa mãn bất kỳ du khách nào ghé thăm nơi đây.
Cao lầu là món ăn linh hồn của phố cổ Hội An. Ảnh: CNN
“Hội An là một thành phố độc nhất vô nhị và nền ẩm thực tại đây cũng độc nhất vô nhị. Bạn sẽ bắt gặp một chút châu Âu cùng với một chút châu Á nên ở đây mọi người đều tìm được chút gì đó cho riêng họ”, cô Trinh Diem My, đầu bếp nổi tiếng sở hữu 9 nhà hàng tại Hội An cho biết.
Là một bến cảng giao thương tấp nập từ thế kỷ 15 – 19, kết nối phương Đông với châu Âu, cảnh quan và ẩm thực của Hội An đều phản chiếu một loạt ảnh hưởng từ thời quá khứ. Năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận phố cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới.
Mặc dù Hội An là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam của các tín đồ ẩm thực, món đặc sản thực sự làm nên tên tổi của khu đô thị cổ giàu văn hóa và lịch sử này chính là cao lầu.
CNN giới thiệu các nguyên liệu làm nên món ăn thơm ngon này bao gồm: thịt heo nướng thái mỏng – gần giống xá xíu của người Trung Quốc. Một miếng bột mì chiên giòn – gợi nhắc lại quá khứ thời Pháp thuộc. Sợi mì gạo dai khá giống với mì udon Nhật Bản.
“Làm cao lầu trông có vẻ đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian và chế biến cầu kỳ”, Trinh Diem My nói. Công thức nấu cao lầu của cô My – là bí mật của gia đình – do bố mẹ cô truyền lại. Gia đình cô mở nhà hàng từ năm cô 10 tuổi.
Nữ đầu bếp cho biết hạt gạo làm cao lầu phải dài và đủ già để sợi mỳ được dai, không bị bở. Nhào bột nấu cao lầu không phải dùng loại nước nào cũng được. Tương tuyền rằng, người ta lấy nước của giếng cổ Bá Lễ ở Hội An chứa nhiều khoáng chất để nhào bột thì cấu trúc của sợi mỳ sẽ ngon hơn cả.
Miếng bột sau khi thái sợi mỏng sẽ được hấp qua lửa để có sắc vàng đặc trưng cùng độ dai lý tưởng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức